Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương đang làm chậm tiến độ thực hiện nhiều dự án lớn.
Sau hai lần trễ hẹn, từ cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD vẫn chưa thể khởi công như dự kiến. Mặc dù thông tin về việc dự án này vẫn đang tiến triển, được phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên xác nhận, song vẫn chưa có thông tin về thời điểm khởi công Dự án.
Lần trước, khi dự án này không thể khởi công vào cuối năm 2008 như dự kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã cho biết nguyên nhân là tỉnh chưa triển khai xây dựng Khu tái định cư Phú Lạc rộng 45 ha và Khu trung tâm hành chính mới – khu dân cư mới Hoà Tâm rộng 90 ha, để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án. ở lần chậm trễ này, nguyên nhân giải phóng mặt bằng cũng được phía tỉnh Phú Yên nhắc lại khi vẫn còn vài chục hộ dân chưa giao mặt bằng cho Dự án và rất khó xác định thời gian dự án có thể chính thức khởi công.
Thông tin dự án chậm do không có đất đáng tiếc lại không phải là tin mới. Trong khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2009, nguyên nhân này được xếp hàng đầu cho lý giải về tình trạng chậm giải ngân. Điều đáng nói là cơ hội để giải toả dứt điểm rào cản này lại chưa thấy rõ.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM, nguyên nhân trước hết của tình trạng chậm hoặc không giải phóng được mặt bằng là thiếu vốn đền bù và giải phóng mặt bằng. “Vốn đền bù, giải phóng mặt bằng vừa ít, lại đầu tư rất dàn trải, nên công tác đền bù cũng dàn trải và chậm một cách tương ứng”, ông Cung nói.
Trong bối cảnh kinh tế bình thường, sự chậm trễ này sẽ làm tăng chi phí đầu tư, tạo nên những áp lực lớn cho nhà đầu tư trong thực hiện các kế hoạch kinh doanh theo dự toán. Còn trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay, hậu quả của việc nhà đầu tư phải chờ đất còn có thể là sự ra đi của họ và những hệ luỵ xấu cho môi trường kinh doanh Việt Nam.
Nhìn lại bức tranh đầu tư tại các địa phương, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm trong năm 2008, có thể thấy, tốc độ các dự án được chấp thuận đầu tư hoặc cấp đăng ký đầu tư tăng mạnh, trong đó nhiều dự án quy mô lớn có tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến hàng chục tỷ đô la, đòi hỏi diện tích đất sạch tăng đột biến.
Trong khi đó, nguồn lực của địa phương dành cho công tác giải phóng mặt bằng lại khá giới hạn. Chính vì vậy, để tự giải toả, nhiều địa phương đã chủ động đề nghị nhà đầu tư trả trước tiền thuê đất và sử dụng số tiền đó phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình trạng một số dự án triển khai chậm, ông Kiều Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hoà cũng thừa nhận thực trạng có mặt bằng nhưng chưa giải phóng nổi. “Khánh Hoà đã phải triển khai giải pháp kêu gọi các nhà dầu tư tham gia quỹ giải phóng mặt bằng thông qua việc góp trước tiền thuê đất để giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án”, ông Lâm cho biết.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo đó là cách làm chưa hoàn toàn hợp pháp và số tiền có được cũng khó đủ để đền bù và giải toả. Hơn thế, ngay cả khi nguồn tiền này được sử dụng tốt, thì công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương lại vướng vào khó khăn do hệ luỵ từ quy định giá đất được điều chỉnh hàng năm.
Thực tế, phần lớn các dự án từ lúc có chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến khi có được quyết định giao đất, cho thuê đất phải mất thời gian khá dài, thậm chí vài năm đối với các dự án quy mô lớn. Thực tế trên khiến dự toán ban đầu của nhà đầu tư cho khoản mục này bị sai lệch nhiều. Nhiều nhà đầu tư khi bàn về vấn đề này đã nhắc tới các khoản phát sinh ngoài dự kiến như yêu cầu đàm phán lại và tăng thêm tiền đền bù đối với các hộ dân đã nhận đền bù trước…
Khoản chênh lệch thường khá lớn, vượt quá mức vốn kế hoạch và thậm chí làm tăng chi phí đầu tư đến mức, khiến cho dự án đầu tư trở nên kém hiệu quả. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư buộc phải tạm dừng dự án, triển khai cầm chừng hoặc chuyển nhượng dự án”, ông Cung phân tích.
Khảo sát của CIEM cũng cho thấy, thực tế nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn quan tâm nhiều đến đầu tư và giải ngân vốn đầu tư nhà nước, chưa quan tâm đúng mức đến việc huy động và triển khai thực hiện các dự án đầu tư của tư nhân trong nước, tư nhân nước ngoài. Giới phân tích cho đây là khiếm khuyết trong thực hiện chính sách kích cầu đầu tư hiện hành.
Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, nếu tập trung rà soát lại các dự án đầu tư, tìm hiểu vướng mắc trong triển khai thực hiện đối với từng dự án đầu tư và có biện pháp cụ thể phù hợp tương ứng, thì hoàn toàn có thể huy động và giải ngân được đáng kể vốn đầu tư của tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, ông Cung cũng cho rằng, những dự án không thể triển khai thực hiện được do yếu kém của nhà đầu tư cũng sẽ bộc lộ và cơ hội “làm sạch” thực trạng đầu tư trên phạm vị địa phương rất rõ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: