Top

Khi đô thị không giữ được quy hoạch...

Cập nhật 08/05/2017 09:03

Tại đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội), chỉ một đoạn đường dài hơn 2km nhưng có tới gần 40 tòa chung cư án ngữ. Theo phân tích của các chuyên gia quy hoạch xây dựng, đây là điển hình của việc phát triển đô thị không theo quy hoạch hoặc quy hoạch liên tục bị "băm nát", điều chỉnh đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, gây áp lực lớn lên hạ tầng.


Hàng loạt chung cư cao tầng xây dựng trên đường Lê Văn Lương khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Bá Hoạt

Chung cư ken kín, tắc đường kinh niên

Với thiết kế theo tiêu chuẩn đồng bộ, mặt cắt 40m, 6 làn xe, bố trí dải phân cách, vỉa hè rộng 10m, đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) và đường Tố Hữu (quận Hà Đông) được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bề thế, hiện đại cho Thủ đô. Thế nhưng, việc hàng loạt chung cư cao tầng liên tiếp ken kín trên hai tuyến đường đã khiến tình trạng tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của cư dân.

Anh Nguyễn Hữu Đức, một cư dân sống tại chung cư trên đường Lê Văn Lương cho biết, khi quyết định mua nhà tại đây, đường Lê Văn Lương mới chỉ có vài ba khối nhà. Đường rộng, nhà đẹp lại khá gần khu trung tâm nên gia đình rất ưng ý. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình trạng tắc đường liên miên, đặc biệt là vào giờ cao điểm khiến cả gia đình mệt mỏi và muốn… chuyển nhà.

Thực tế cho thấy, đường Lê Văn Lương có tới gần 40 tòa chung cư cao 25 - 35 tầng trong khoảng hơn 2km và còn khá nhiều công trình đang rậm rịch triển khai. Đường Tố Hữu, nơi được ví như xương sống cho vùng đô thị mới của Thủ đô, cũng trong tình trạng tương tự. Ngay sau khi khánh thành, hàng loạt dự án khu đô thị mới đã nhanh chóng mọc lên hai bên đường như: Phùng Khoang, Vinaconex 3, Trung Văn, Mộ Lao, Văn Khê, An Hưng, Dương Nội... Hệ quả tất yếu là cả tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu trở thành “điểm đen” tắc nghẽn giao thông của Hà Nội.

Nhận xét về thực trạng này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là hậu quả của quá trình đầu tư chung cư cao tầng ồ ạt, thiếu bài bản, dẫn tới phá vỡ quy hoạch trong nhiều năm qua. Báo cáo của TP Hà Nội, năm 2016 đã giải quyết được khoảng 20 điểm ùn tắc giao thông, song tái diễn và phát sinh mới hơn 10 điểm cho thấy, chúng ta vẫn chưa giải quyết được những khó khăn đi cùng với quá trình phát triển.

Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, những bất cập trong quy hoạch đã và đang tạo nhiều áp lực cho cộng đồng. Thế nhưng, lỗi không phải ở quy hoạch mà ở khâu tổ chức thực hiện quy hoạch. Về lý thuyết, quy hoạch phải định hướng cho các dự án phát triển bất động sản, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại - quy hoạch chạy theo để hợp thức hóa các dự án này.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, dù Thủ đô đã có quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhưng vấn đề quản lý, xây dựng theo quy hoạch, lựa chọn cơ cấu tổ chức hợp lý để quản lý quy hoạch vẫn là thách thức mà Hà Nội phải đối mặt. Thêm vào đó, hệ thống quy hoạch của Hà Nội quá nhiều, dẫn đến chồng chéo, thậm chí có cả những quy hoạch rất bất cập, thể hiện những lợi ích riêng của chuyên ngành.

Không thể làm quy hoạch cho... xong


Nhiều tòa nhà chung cư cao tầng tiếp tục được xây dựng mới trên đường Tố Hữu. Ảnh: Thái Hiền

Những bất cập trong công tác quy hoạch không chỉ là chuyện riêng của Hà Nội. Nói về thực trạng phát triển đô thị trên cả nước hiện nay, ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhận định, lĩnh vực này đã có những dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống đô thị phân bổ chưa hợp lý giữa các vùng miền, tập trung quá nhiều tại các đô thị lớn. Công tác quản lý đô thị cũng chưa theo kịp thực tiễn phát triển, thiếu tính hợp nhất đa ngành.

Chất lượng đô thị chưa được cải thiện nhiều. Các đô thị phát triển theo chiều ngang, bám các khu vực đồng bằng, ven biển; giao thông công cộng chậm phát triển, trong khi người dân vẫn sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, công tác dự báo phát triển đô thị còn yếu, quy hoạch thường bị điều chỉnh, bổ sung và khi điều chỉnh lại nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù nhiều mô hình, kinh nghiệm mới về phát triển đô thị đã được nghiên cứu, nhưng lại chậm đưa vào thực tiễn nên chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh và phức tạp như hiện nay.

Để khắc phục những bất cập trên, ông Trần Ngọc Chính đề nghị, việc cần làm hiện nay là siết chặt quản lý quy hoạch trên nguyên tắc hạn chế điều chỉnh và việc xây dựng phải theo quy hoạch, kế hoạch. Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, đã đến lúc cần kiểm soát sự phát triển đô thị tuân thủ đúng quy hoạch; điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến giao thông, như hệ thống bệnh viện, trường học, cơ quan... Từ đó, tích hợp các đồ án quy hoạch theo một định hướng phát triển đồng bộ; cùng với đó, kiểm tra, xác định năng lực tư vấn quy hoạch và thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội có nguồn tài nguyên lớn là quỹ đất nhưng chưa tận dụng hiệu quả. Phê phán cách làm quy hoạch kiểu “băm nát”, Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng, có những khu đất chỉ 2 - 3ha nhưng lại giao cho vài chủ đầu tư nên khó làm tốt được.

"Tôi cảm giác chúng ta làm quy hoạch cho xong việc. Nếu cứ như vậy thì 20 năm nữa, Hà Nội sẽ phải trả giá. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các khu đô thị ở vùng phát triển phải làm quy hoạch thật kỹ, không cho phép tái diễn tình trạng phát triển lô nhô như hiện tại" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới