Top

Khánh Hòa: Kinh doanh nhà đất nhan nhản sai phạm

Cập nhật 03/12/2018 10:13

Dù chưa đủ các điều kiện kinh doanh nhưng nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Khánh Hòa vẫn huy động vốn rầm rộ, dẫn đến nhiều hệ lụy mà thiệt thòi thuộc về người mua

Thời gian qua, một số chủ đầu tư, các sàn giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) ở Khánh Hòa chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh BĐS, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nhất là trong việc huy động vốn theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đâu lại vào đấy

Vi phạm phổ biến nhất là việc các chủ dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa đủ điều kiện kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai nhưng vẫn tự phân lô bán nền, chuyển nhượng dự án, hợp tác kinh doanh triển khai dự án, xây dựng sai phép, vi phạm hàng loạt quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Thuế…

Ở Khánh Hòa, đi đến đâu cũng nghe luận bàn về thực trạng này. Trong khi đó, hoạt động mua bán nhà đất trên giấy vẫn sôi động trên thị trường online nhưng cơ quan quản lý thì hầu như không có thông tin chính xác để trả lời cho người dân.

Thi thoảng, cơ quan chức năng ban hành quyết định xử phạt vài chục triệu đồng về hành vi huy động vốn khi chưa đủ điều kiện của một vài chủ đầu tư, được các báo rầm rộ đưa tin nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Chỉ hy hữu người dân tố cáo, báo chí phản ánh với đầy đủ bằng chứng, cơ quan chức năng mới truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, tái định cư… như ở dự án Hoàng Long mà phó chủ tịch UBND TP Nha Trang vừa bị khởi tố.

Dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú dù thiếu nhiều điều kiện nhưng vẫn được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa ký xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: KỲ NAM

Vô tình hay cố ý tiếp tay?

Trên thực tế, các chủ đầu tư làm sai nhưng cơ quan quản lý cố tình hoặc vô ý tiếp tay cho việc làm sai ấy không phải là không có. Dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu mà Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh là một ví dụ.

Dự án này thiếu hàng loạt thủ tục cần thiết kể từ khi điều chỉnh năm 2014, chưa được ngân hàng giải chấp khi chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy mà cuối năm 2016, khi chủ đầu tư gửi tờ trình xin xác nhận đủ điều kiện kinh doanh nhà ở của dự án thì Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã vội vã ký xác nhận. Từ đó, chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn theo hình thức bán 382 căn nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này. Để rồi sau đó, cũng chính Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa phải ra văn bản yêu cầu tạm dừng việc bán nhà của dự án.

Trước thực trạng còn nhiều sai phạm trong kinh doanh, quản lý BĐS, tháng 4-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn.

Theo đó, giao chính quyền và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát việc kinh doanh BĐS tại các dự án, xử lý nghiêm các vi phạm. Yêu cầu chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Chỉ được phép tổ chức huy động vốn, mở bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện theo quy định. Nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vốn vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng...

Yêu cầu 11 địa phương báo cáo

Ngày 26-11, Bộ Xây dựng có Công văn 2991/BXD-QLN về việc báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS gửi đến 11 tỉnh, thành có hoạt động kinh doanh BĐS sôi động, trong đó có tỉnh Khánh Hòa.

Bộ Xây dựng đề nghị trước ngày 14-12, 11 tỉnh, thành này phải báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai ở địa phương; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất khi thực hiện quy định pháp luật về lĩnh vực này.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ