Thời gian gần đây, xu hướng dịch chuyển về các vùng ven đô để nghỉ dưỡng cuối tuần đang tăng mạnh. Bởi, khu vực ven đô có điều kiện tự nhiên, không khí trong lành rất phù hợp đề nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, phát triển du lịch ven đô sẽ trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các khu đô thị bị áp lực về môi trường, cuộc sống và chúng ta cần có thời gian ngắn với chi phí thấp để giải quyết các vấn đề này.
Theo ông Thản, việc nghỉ ngơi, xả stress và tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai cũng quan trọng như việc ăn uống. Trong tương lai, du lịch ven đô sẽ phát triển tốt.
Du lịch nghỉ dưỡng ven đô có tiềm năng phát triển rất lớn
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Archi Invest cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng nội đô là phân khúc thị trường tăng trưởng mạnh và bền vững nhất trong rất nhiều năm tới.
Lý giải vẫn đề này, ông Trung cho rằng nguồn cầu cực lớn, đến từ 2 nguồn chính là khách du lịch nội địa và quốc tế đến Hà Nội. Với nhu cầu này, thị trường ngoại ô như là một khu vực chia lửa cho thị trường nội đô đang quá tải.
Năm 2018, Hà Nội đặt ra mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2017; trong đó, khách quốc tế là 5,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch cả năm đạt khoảng 76 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Trung, trong giai đoạn 5 năm từ 2012-2017, Hà Nội chỉ tăng thêm 1.200 phòng khách sạn từ 3-5 sao, lượng cung mới vô cùng khiêm tốn khiến nhu cầu về phòng khách sạn gia tăng.
Cùng với đó, hiện ở nội đô có khoảng 4,5 triệu người. Với số người này trong một thành phố đang phát triển, đi cùng là căng thẳng công việc, ô nhiễm không khí, tắc đường… thì nhu cầu ra ngoại ô tăng từng ngày. Ước tính, nguồn khách nội đô có nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô vào khoảng 20 - 30 triệu lượt/năm. Đây là thị trường vô cùng lớn và là thị trường không cạnh tranh.
Theo ông Trung, nhu cầu du lịch ven đô vô cùng lớn nhưng nguồn cung lại vô cùng hạn chế. Những resort hiện nay chỉ có chưa đầy 1.600 phòng 3 -5 sao, đó là nguồn cung yếu, do đó hầu hết khách hàng đều đi trong ngày. Những homestay hay du lịch cộng đồng đang thu hút khách hàng do khách hàng có thể chỉ đi trong ngày như vậy.
“Với nguồn cung hạn chế, tôi tin rằng khả năng xây dựng cật lực 10 năm nữa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là trong xu hướng dân số Hà Nội ngày càng tăng như hiện nay”, ông Trung chia sẻ.
Cùng quan điểm, Amorn Harnkham, Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan cho rằng Hà Nội là một trong những điểm đến tốt nhất để đầu tư du lịch ven đô. Bởi Hà Nội có lợi thế kết nội giao thông thuận tiện, cơ cấu phù hợp giữa những vùng đồi núi kết nối với Hà Nội rất tuyệt vời.
“Vấn đề là có mục tiêu phát triển du lịch rồi, nhưng có kế hoạch cụ thể như thế nào? Có sản phẩm gì để hấp dẫn khách du lịch, làm cho họ trở về nhà sẽ lưu luyến, nhớ về dịch vụ mà họ được tận hưởng? Đó chính là yếu tố chính yếu để thu hút khách du lịch”, theo ông Amorn Harnkham.
Trên thực tế, du lịch ven đô đã có từ khá lâu nhưng vẫn còn hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Để xử lý vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Thản, cần tạo ra một chuỗi trách nhiệm và chuỗi quyền lợi trong phát triển du lịch ven đô. Bởi nếu chỉ đầu tư xong và chờ khách hàng tìm đến thì sẽ rất khó phát triển, mà cần phải có liên kết hợp tác để đưa thông tin đến du khách và sau đó chăm sóc họ thì mới hiệu quả.
Tổng giám đốc Công ty H&K Hospitality, ông Lương Ngọc Khánh bổ sung, khi xây dựng các khu du lịch ngoại đô cần phải thấy được nhu cầu của khách hàng là gì. Khách hàng thường chỉ đi nghỉ vào dịp cuối tuần, còn trong tuần tất cả các khu khách sạn, resort công suất rất thấp và rất vắng. Các chủ đầu tư cần có sách lược nhằm làm sao lôi kéo được du khách, tạo sản phẩm du lịch là gì mới là quan trọng.
Ông Khánh cũng cho rằng hiện nay nhiều khách sạn, resort hoạt động giống nhau, không có những nét độc đáo riêng biệt, không có giá trị văn hoá riêng. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài rất thích được trải nghiệm văn hoá, khám phá văn hoá của khu vực địa phương.
“Việt Nam đi đến đâu cũng nói là rất đẹp, rất thích nhưng khi đến ngủ tại các khu resort thì hầu như đều không cảm nhận được là thích. Thực ra khi đi nghỉ dưỡng, điều quan trọng nhất là cảm xúc. Nó có thể đến từ nhiều thứ, có khi ngay từ kiến trúc công trình…”, ông Khánh chia sẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo TBNH
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: