Top

Hoảng loạn lãi vay gói 30.000 tỷ: Dân 'leo cột mỡ'...

Cập nhật 12/03/2016 09:50

Chuyên gia bất động sản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng rồi kết thúc luôn.

Người dân bình thường khó biết

Nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng đang "ngồi trên đống lửa" khi nhận được thông tin: vốn giải ngân sau ngày 1/6/2016 không được tính theo lãi suất ưu đãi 5% mà áp dụng lãi suất thương mại.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đối với các quy định của pháp luật ngay cả người chuyên về luật cũng khó nắm hết được, huống chi là người dân bình thường. Tuy nhiên, ở các nước, khi động chạm đến những vấn đề gây tốn kém, hoặc có thể nguy hiểm, người dân có thói quen tham khảo ý kiến của tư vấn luật. Còn ở Việt Nam, không chỉ việc hỏi về gói 30.000 tỷ đồng thế nào, ngay đến mua nhà người dân cũng không nhờ bên tư vấn luật xem nhà đó có hợp pháp không, cần lưu ý những gì khi mua nhà...

Một số ngân hàng cho rằng, khách hàng đã sơ suất không xem kỹ trong hợp đồng vay vốn với ngân hàng

"Không ai bắt buộc mỗi người dân phải nắm hết tất cả luật, chính vì thế trong nhiều lần phát biểu tôi đã lưu ý rằng người dân chúng ta nên sử dụng tư vấn luật pháp mỗi khi có vấn đề gì gây tốn kém hoặc nguy hiểm", ông nói.

Một vấn đề khác cũng được ông Phạm Sỹ Liêm lưu ý, đó là trong gói 30.000 tỷ đồng có một phần nội dung là giao cho bên cho vay xem xét điều kiện của bên đi vay. Nhưng theo ông, bên cho vay chỉ giỏi chuyên môn cho vay chứ không giỏi chính sách, do đó họ làm rất chậm. Chính điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng bị chậm trễ.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc một số ngân hàng đổ thừa cho khách hàng không đọc kỹ thông tin là không đúng.

"Những người đã giải ngân 100% hợp đồng được hưởng lãi suất ưu đãi của gói 30.000 tỷ trong vòng 15 năm, chuyện đó không bàn. Ở đây chỉ nói những khách hàng ký hợp đồng vay đến nay chưa được giải ngân hết và có khả năng đến ngày 31/5/2016 cũng chưa giải ngân hết. Đúng là trong Thông tư 11 của NHNN có nói sau 36 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực (tức từ 1/6/2013 đến hết 31/5/2016), gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết hiệu lực giải ngân nhưng những người am hiểu chuyên môn mới hiểu rõ được điều đó, còn người dân bình thường đọc thông tư cũng không hiểu.

Vấn đề quan trọng là trong hợp đồng cho vay của ngân hàng thương mại thiếu một điều khoản ghi lại điều này. Lẽ ra trong hợp đồng cho vay, ngân hàng phải ghi chính thức là: các khoản vay được giải ngân đến hết ngày 31/5/2016 được hưởng lãi suất ưu đãi của chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đã được NHNN quy định, còn sau ngày 31/5/2016 sẽ tính theo lãi suất vay thương mại theo tiêu chuẩn, điều kiện và chính sách ưu đãi của từng ngân hàng. Nếu ghi như thế người tiêu dùng sẽ không có sự nhầm lẫn và chính họ cũng có sự lựa chọn hợp lý hơn khi mua bất động sản".

Ông Châu dẫn ví dụ, nếu từ giờ đến ngày 31/5/2016, người tiêu dùng vay tiền của gói 30.000 tỷ đồng để mua một căn nhà hoàn thiện, có thể dọn vào ở ngay thì được giải ngân ngay mà vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi. Trong trường hợp không có loại nhà như thế, họ sẽ tiếp tục chọn đến những nhà đã xây xong phần thô mà chưa bàn giao nhà cho người mua, lúc đó người tiêu dùng có thể được vay đến 70%. Còn nếu căn hộ chỉ mới xong móng thì người tiêu dùng chỉ vay được khoảng 30% với lãi suất ưu đãi.

Một ví dụ khác, một người tiêu dùng ký hợp đồng vay để mua căn hộ 800 triệu đồng và tính đến ngày 31/5/2016 số tiền mới được giải ngân khoảng 450 triệu, như vậy còn khoảng 350 triệu đồng người tiêu dùng sẽ không được vay theo lãi suất ưu đãi mà phải vay bên ngoài. Nếu vay bên ngoài thì ngân hàng có thể ký bằng một phụ lục hoặc một hợp đồng vay mới mà không có ưu đãi. Điều đó rất thiệt thòi cho người thu nhập thấp, ông Châu khẳng định.

Kiến nghị tối thiểu

TS Phạm Sỹ Liêm nhận định, khó có khả năng NHNN sẽ kéo dài gói 30.000 tỷ vì đến nay gói này "cũng tiêu được kha khá". Ngay cả khi muốn bàn đến chuyện kéo dài gói này, theo ông, hãy đợi đến thời điểm 1/6 để xem gói 30.000 tỷ còn nhiều hay ít rồi mới tính được.

Còn ông Lê Hoàng Châu thẳng  thắn, gói 30.000 tỷ đã bị chậm trễ ít nhất 6 tháng và mãi đến ngày 1/6/2013 gói này mới bắt đầu giải ngân gây thiệt thòi cho chính người tiêu dùng.

"Trước đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề nghị kéo dài gói 30.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/5/2018 nhưng NHNN đã bác bỏ bằng văn bản. Sau đó chúng tôi đề nghị giải ngân đến hết gói rồi chấm dứt luôn, NHNN cũng không đồng tình và lý giải: bây giờ gói nhà ở xã hội đã có chính sách mới nên nhà ở xã hội không bị ảnh hưởng. Về cơ bản đúng là như thế nhưng thực sự việc xử lý chuyển tiếp của nhà ở xã hội cũng là vấn đề mà NHNN phải tính.

Một lý do NHNN đưa ra nữa là thị trường bất động sản đã hồi phục nên không có lý do gì để  tiếp tục hỗ trợ. Nhưng vấn đề không phải là hỗ trợ cho người giàu mà là hỗ trợ cho người thu nhập thấp đô thị. Nói như vậy chẳng lẽ trước đây gói 30.000 tỷ là hỗ trợ cho doanh nghiệp?

Cho nên, tôi cho rằng số còn lại của gói 30.000 tỷ đồng (còn 40% tương đương 12.000 tỷ đồng) nên giải ngân, trong đó 70% sẽ dành cho người mua nhà, như vậy sẽ có lợi cho người thu nhập thấp đô thị.

Nếu NHNN không cho giải ngân hết gói 30.000 tỷ rồi kết thúc luôn thì Hiệp hội còn một kiến nghị tối thiểu, đó là: cho nhưng người đã ký hợp đồng mua nhà theo gói 30.000 tỷ và đã giải ngân được một số đợt rồi thì được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết hợp đồng. Điều này để tránh cho người dân không bị hụt hẫng, không bị áp lực phải tìm nguồn vay khác với lãi suất cao mà họ khó có khả năng đáp ứng được, đồng thời tránh cho người dân có tâm lý cảm thấy mình bị lừa dối, giống như họ bị leo cột mỡ''.

NHNN yêu cầu kiểm tra ngay hợp đồng gói 30.000 tỷ đồng

Ngày 11/3, đại diện NHNN cho biết, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định: NHNN thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Theo đó, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013).

Như vậy ngay từ đầu chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi cũng như trong quá trình thực hiện, NHNN đã liên tục đăng tải quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này trên phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp  thông tin để doanh nghiệp, người dân được biết.

Về thông tin cho rằng khách hàng vay vốn theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, theo NHNN, tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 32/2015/TT-NHNN ngày 18/11/2015 của NHNN đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở. Đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm).

Đối với thông tin cho rằng một số khách hàng vay vốn mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, theo NHNN trên cơ sở quy định của NHNN tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia Chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng.

"Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, NHNN sẽ thực hiện kiểm tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp", lãnh đạo NHNN khẳng định.


DiaOcOnline.vn -Theo Đất việt