Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành Xây dựng trong việc tạo lập cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhân dịp đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã dành cho Báo Xây dựng một cuộc phỏng vấn đặc biệt.
*
Thưa Bộ trưởng, năm 2011 được đánh giá là thời điểm khó khăn đối với ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện những giải pháp nào để đưa ngành Xây dựng phát triển?
- Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2011 nhưng với sự nỗ lực cao của tập thể lãnh đạo, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Nghị quyết 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành Xây dựng đã khẩn trương, nghiêm túc ban hành và tổ chức thực hiện các Chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Các Tập đoàn, TCty Nhà nước cũng đã tự kiểm tra, rà soát lại danh mục, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư, sắp xếp lại các dự án theo hướng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Kế hoạch đầu tư năm 2011 của các DN thuộc Bộ sau khi rà soát điều chỉnh giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký. Mặc dù giá trị thực hiện đầu tư của các DN giảm (bằng 82,3% so với năm 2010) nhưng tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các DN thuộc Bộ vẫn tăng 13,4% so với năm 2010. Hơn 40 nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong năm qua, công tác xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được chú trọng, tăng cường; đã tập trung để nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác quản lý, phát triển đô thị và nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững. Công tác phát triển nhà ở được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. DN ngành Xây dựng có sự phát triển về năng lực; đã đảm nhận hầu hết các công việc về tư vấn, thiết kế, thi công xây lắp các công trình xây dựng; tạo thêm nhiều cơ sở vật chất cho nền kinh tế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thường xuyên được quan tâm, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; công tác thông tin truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
*
Trong năm qua, dư luận cả nước luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, Bộ Xây dựng đã có giải pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân?
- Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong giai đoạn 3 năm vừa qua đã có khoảng 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, riêng năm 2011 đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 144 nghìn hộ); điển hình là các Chương trình tôn nền vượt lũ và xây dựng nhà ở ĐBSCL (giai đoạn 2) đã và đang tiếp tục được triển khai, góp phần ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.
Đặc biệt, trong năm 2011, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho lĩnh vực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trong thời gian tới. Trong Chiến lược đã khẳng định quan điểm và cách tiếp cận mới về vấn đề nhà ở xã hội "phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân". Ngoài việc khuyến khích phát triển nhà ở thị trường hàng hóa và nhà ở thị trường phi hàng hóa, Chiến lược đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở phi hàng hóa để giải quyết chỗ ở cho 8 nhóm đối tượng xã hội gặp khó khăn về chỗ ở. Đây là một bước hiện thực hóa đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó thị trường là phương tiện thực hiện mục tiêu nhân văn vì con người, vì tiến bộ công bằng xã hội.
Ngoài ra, Chiến lược cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương cần phải triển khai thực hiện, đó là phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn. Các Bộ, ngành và địa phương phải xác định đây là "chỉ tiêu pháp lệnh" để có kế hoạch bố trí nguồn lực đất đai, tài chính để phục vụ cho công tác phát triển nhà ở xã hội. Chiến lược cũng đã vạch ra những định hướng quan trọng trong thời gian tới, đó là cần tập trung phát triển nhà chung cư, nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị; ưu tiên phát triển căn hộ vừa và nhỏ để đáp ứng phù hợp với nhu cầu của xã hội. Công tác phát triển nhà ở đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, đặc biệt tại khu vực đô thị.
Trong thời gian tới, ngành Xây dựng sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; xây dựng các Đề án, văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được xác định trong Chiến lược (Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn, phối hợp cùng các địa phương sớm triển khai xây dựng các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của từng địa phương để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt đối với Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác có nhiều bức xúc về nhà ở.
*
Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm tới, các đơn vị và DN ngành Xây dựng phải quan tâm, chú trọng những định hướng, nhiệm vụ cụ thể như thế nào?
- Trong năm 2012, toàn ngành Xây dựng phấn đấu xây dựng tối thiểu 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, phục vụ nhu cầu nhà ở của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, công nhân KCN, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 66 nghìn hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại nông thôn. Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 19,4m2 sàn/người (tăng 1,1m2 so với năm 2011), trong đó tại đô thị đạt khoảng 22,6m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 17,4m2 sàn/người. Phấn đấu đạt tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 78% (tăng 1% so với năm 2011). Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 83,5% (tăng 0,5% so với năm 2011). Phấn đấu sản lượng xi măng đạt khoảng 60-61 triệu tấn. Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên, ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó tập trung hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định về giấy phép xây dựng, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư cũ; Nghị định về phát triển nhà ở cho thuê... Hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng. Tổ chức soạn thảo Luật Đô thị theo kế hoạch; lập kế hoạch xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS...). Tổ chức soạn thảo Đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước trong kinh doanh BĐS giai đoạn 2011-2020; chuẩn bị Đề án đổi mới quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng. Nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng; đổi mới hệ thống định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư xây dựng công trình phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển. Sớm tập trung rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng để xây dựng Nghị định trình Chính phủ về vấn đề này.
Hai là, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng vừa đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao công trình đưa vào sử dụng, thanh quyết toán. Thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; hoàn thiện đồng bộ cơ chế quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng, rà soát hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế-kỹ thuật; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng, hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng theo chủ trương của Chính phủ.
Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển đô thị; tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng phát triển bị động, tự phát và thiếu bền vững. Theo đó, cần thống nhất công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị từ Trung ương đến địa phương; tăng cường vai trò, chức năng của Bộ Xây dựng trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng như việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án phát triển đô thị, đặc biệt tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...). Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch các vùng tỉnh; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương lập thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Từng bước xây dựng và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới đô thị, phát triển hài hòa giữa các vùng miền và địa phương; có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng cuộc sống tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc.
Bốn là, đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội; tăng cường quản lý thị trường BĐS, Theo đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; xây dựng các Đề án, văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được xác định trong Chiến lược (Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Hướng dẫn, phối hợp cùng các địa phương sớm triển khai xây dựng các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của từng địa phương để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở (đặc biệt đối với Hà Nội, TP.HCM, các đô thị loại I là những địa phương có nhiều vấn đề bức xúc về nhà ở xã hội). Trình Chính phủ Nghị định về cải tạo chung cư cũ theo quy hoạch. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, DN nhà nước tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát thị trường BĐS. Kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Năm là, tháo gỡ các khó khăn cho DN, tập trung nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các DN xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của DNNN. Đối với các DN xây dựng, cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt năng lực về tài chính, công nghệ, nhân lực và trình độ quản trị; nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, bảo đảm sản phẩm của mình làm ra phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí trong xây dựng. Đối với các DNNN phải thực hiện tái cơ cấu DN; chọn đúng ngành nghề truyền thống, có lợi thế, nâng cao năng lực xây lắp, tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa; chú trọng nâng cao năng lực về vốn, công nghệ và quản trị; kiện toàn đội ngũ nhân lực và chuyên nghiệp hóa để nâng cao sức cạnh tranh. Đối với các DN sản xuất VLXD, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN phát triển VLXD mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, vật liệu tái chế; bắt buộc sử dụng VLXD và thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng. Tập trung thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành VLXD Việt Nam đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách liên quan đến việc thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản để làm VLXD; tập trung phát triển VLXD không nung.
Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức hoạt động, cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp theo hình thức đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí. Tăng cường tính tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, có tích luỹ để phát triển đối với các đơn vị có thu. Tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại, phát triển lực lượng xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng và toàn xã hội; tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 sau khi được phê duyệt, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Bảy là, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và thông tin truyền thông. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế thế giới theo lộ trình của Chính phủ và của Ngành. Tạo điều kiện cho các DN xây dựng Việt Nam mở rộng, tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua các triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc tế, tham quan khảo sát ở nước ngoài. Tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác hợp tác quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế đô thị của địa phương, nâng cấp đô thị và cải thiện môi trường, hoà nhập các đô thị lớn vào mạng lưới đô thị toàn cầu. Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, đặc biệt trong việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; quảng bá thông tin và các hoạt động của ngành Xây dựng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: