Các đề xuất mới liên quan đến đề xuất công nghệ, hướng tuyến, mô hình huy động vốn... có tính khả thi cao cho thấy hình hài ngày càng rõ nét của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong tháng 9/2018, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề về mô hình đầu tư, huy động nguồn vốn, tổ chức quản lý, khai thác vận hành dự án. Bộ GTVT yêu cầu Tư vấn tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học để hoàn thành, tổ chức báo cáo nghiên cứu cuối kỳ vào tháng 10/2018. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất nghiên cứu đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu cao nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Sức chở giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6-24h. Các đoạn ưu tiên, dự kiến đề xuất 2 đoạn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032; các đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040 - 2045. |
“Sự khác biệt lớn của báo cáo so với lần nghiên cứu trước được đưa ra Quốc hội là đã lượng hóa bằng các con số, số liệu cụ thể. Nghiên cứu cũng cập nhật lại các số liệu điều tra được cập nhật năm 2017 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dân cư, phân bổ vận tải trên trục Bắc - Nam”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Căn cứ đề xuất còn thêm thông tin về mô hình đầu tư của các nước trên thế giới như: Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Đức… và đề xuất mô hình đầu tư Nhà nước, kết hợp nguồn vốn ODA và tư nhân. Mô hình huy động vốn, tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước, tư nhân sẽ được làm rõ hơn trong báo cáo cuối kỳ.
Điểm mới khác là trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua có sự phối hợp nghiên cứu, trao đổi để thống nhất đề xuất phương án hướng tuyến, vị trí các nhà ga, đảm bảo sự phù hợp các quy hoạch của địa phương, vùng và kết nối hiệu quả giữa đường sắt tốc độ cao với các phương thức vận tải khác.
Tương tự, đề xuất lựa chọn công nghệ động lực phân tán (công nghệ đoàn tàu) và hệ thống truyền dẫn số di động dạng sóng không gian (công nghệ tín hiệu điều khiển), phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động được “gút” lại từ các nghiên cứu nhiều mặt (chi phí đầu tư, hạ tầng, bảo trì, an toàn…) và so sánh công nghệ từ hàng chục quốc gia, cũng như công nghệ khác có vận tốc cao hơn gấp 2-3 lần (tàu đệm từ trường, tàu chạy trong ống dẫn chân không Hyperloop).
“Nghiên cứu lần này đồng bộ giữa công nghệ, hạ tầng, thiết bị, gắn công nghệ với nhu cầu, sự phù hợp và khả năng sử dụng hiệu quả nhất và làm chủ công nghệ của đất nước, thực tế của đất nước”, Thứ trưởng Đông nói và nêu ví dụ đã loại đề xuất công nghệ tàu dùng đệm từ trường với vận tốc hơn 400-600km/h vì chi phí đầu tư, vận hành đắt hơn và không hiệu quả khi kết nối các ga có khoảng cách vài chục kilomet; không thể áp dụng mô hình hỗn hợp xu hướng hạ tầng, công nghệ, thiết bị, đoàn tàu từ các nước khác nhau như tại Đài Loan.
Theo ông Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Công trình, Đại học Xây dựng, công nghệ đoàn tàu, vận hành của dự án hiện là tiên tiến, song nghiên cứu cần bổ sung đánh giá xu hướng thế giới để cho thấy ở thời điểm khai thác dự án, công nghệ trên vẫn ở mức tiên tiến thế giới. “Khai thác, vận hành dự án có vai trò rất quan trọng. Nội dung nghiên cứu cần đúc rút kinh nghiệm các nước và đề xuất cần bao gồm cả mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, vận hành hiệu quả nhất”, ông Nam góp ý thêm.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: