Top

Him Lam Land bị "tố" hành xử trái pháp luật

Cập nhật 01/04/2016 14:27

Sự việc xảy ra ngày 23/3, khi Him Lam Land tổ chức “cưỡng chế” di dời tài sản của hai doanh nghiệp khác khỏi mặt bằng thuộc chung cư Him Lam riverside.

Theo đơn của ông Dương Thanh Khiết, đại diện pháp luật của Công ty TNHH dịch vụ tư vấn đầu tư Sài Gòn (Saigon ICS) gửi đến báo Phụ Nữ, vào tháng 10/2013, Saigon ICS và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đa Giải Pháp (M Solution) đã liên kết cùng Công ty TNHH sản xuất TM-XNK Quê Hương Tôi (My Home Land) cùng khai thác các mặt bằng tầng trệt khu A (khoảng 300m2 ) thuộc chung cư Him Lam Riverside của Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) trong thời gian thuê là 10 năm.

Trước đó, My Home Land đã ký hợp đồng thuê những mặt bằng trên của Him Lam Land. Sau khi hai bên thống nhất, Saigon ICS và M Solution bắt đầu đầu tư mô hình Stock Corner coffee tại mặt bằng khu A chung cư Him Lam Riverside. Mâu thuẫn phát sinh khi giữa tháng 8/2015, My Home Land thông báo với Saigon ICS và M Solution là Him Lam Land sẽ thu hồi mặt bằng nói trên vào cuối tháng 8/2015. Lý do thu hồi là vì hai doanh nghiệp (DN) đang khai thác mặt bằng không đóng tiền điện và tiền thuê mặt bằng từ khi bắt đầu thuê đến tháng 7/2015.

Dù hai bên đã đồng ý ký vào biên bản làm việc tại công an phường Tân Hưng (Q.7) chấp nhận giữ nguyên hiện trường và giải quyết tranh chấp tại tòa án, song người của Him Lam Land vẫn vào dọn đồ của Saigon ICS và M Solution

Him Lam Land và My Home Land thông đồng?

Ông Dương Thanh Khiết cho biết, trong quá trình Stock Corner coffee xây dựng và đi vào hoạt động, Saigon ICS và M Solution đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Giá trị thanh toán được căn cứ theo phiếu báo định kỳ từ My Home Land gửi cho hai DN này. Hình thức thanh toán theo yêu cầu của My Home Land là tiền điện và tiền thuê mặt bằng của khu A được chuyển thông qua tài khoản của My Home Land và công ty này sẽ thanh toán (chuyển khoản) lại cho Him Lam Land. Riêng các khoản phí dịch vụ (phí quản lý - nước - rác) của khu A được đóng trực tiếp cho ban quản lý của Him Lam Riverside dưới danh nghĩa My Homeland.

Tuy nhiên, sau thời gian Stock Corner coffee đi vào hoạt động, bà Nguyễn Hoàng Mai, giám đốc My Home Land luôn tìm cách trì hoãn việc ký kết hợp đồng về chia sẻ mặt bằng kinh doanh như đã thỏa thuận - khu A, cũng như không cung cấp hóa đơn, chứng từ của các khoản chi phí mà Saigon ICS và M Solution đã thanh toán như cam kết.

“Vì bà Mai luôn sử dụng hình ảnh của Stock Corner coffee không đúng mục đích, nên chúng tôi đã chấm dứt việc hợp nhất với My Home Land và chỉ giữ quan hệ liên kết cùng khai thác mặt bằng khu A tại Him Lam Riverside. Nghĩa là, chúng tôi hoạt động độc lập”, ông Khiết cho biết. Dù không còn định hướng tiến đến hợp nhất với My Home Land, nhưng Saigon ICS và M Solution vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho Him Lam Land theo phương thức cũ.

Sau khi nhận được thông tin thu hồi mặt bằng, ông Khiết đã trực tiếp liên hệ và được Him Lam Land thông báo “Him Lam Land chưa nhận một đồng tiền thuê mặt bằng từ My Home Land, từ tháng 7/2014 cho đến tháng 8/2015. Ngoài ra, Him Lam Land còn phải ứng trả khoản tiền điện 300 triệu đồng cho toàn bộ mặt bằng (gồm khu A, B và C)”.

Him Lam Land khẳng định không biết ông Khiết là ai, Saigon ICS và M Solution là DN nào(!?). Tuy nhiên, ông Khiết cho biết, ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào mặt bằng này, đại diện của Him Lam Land (bà Đặng Thị Thanh Son, Giám đốc Dịch vụ quản lý bất động sản) đã tham gia giám sát. Bên cạnh đó, từ những chứng từ trao đổi giữa Him Lam Land và My Home Land đều có thể hiện sự hiện diện của Saigon ICS và M Solution tại mặt bằng khu A chung cư Him Lam Reverside.

Ngoài ra, ông Khiết cho rằng, Him Lam Land là một DN lớn, không lẽ nào lại cho thuê mặt bằng cả năm trời mà không thu tiền. “Vô lý hơn nữa là tiền mặt bằng bị nợ mà còn hào phóng đóng giùm tiền điện với hơn 100 triệu đồng suốt cả năm trời. Từ những chứng từ, những trao đổi qua email và công văn giữa Him Lam Land và My Home Land, tôi khẳng định hai DN này đã cố tình thông đồng với nhau để đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản”, ông Khiết nói.

Đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản

Theo ông Dương Thanh Khiết, những hành động bất chấp pháp luật của Him Lam Land đã gây thiệt hại cho Saigon ICS và M Solution khoảng bảy tỷ đồng, tính từ thời gian đầu đến thời điểm Him Lam Land tự ý cắt nguồn điện tại khu A (20 tháng).

Ông Khiết cho biết thêm, ngoài thiệt hại về tài chính, ông còn bị ảnh hưởng đến những kế hoạch phát triển của hai công ty. Mục đích đầu tư vào mô hình Stock Corner coffee của Saigon ICS và M Solution là nhằm thực hiện đề tài: Chuỗi chương trình “Săn tìm rổ đầu tư”. Đây là đề tài thuộc lĩnh vực đầu tư tài chính - chứng khoán, mang tầm cỡ quốc gia, hoạt động dưới hình thức tổ chức các cuộc thi dành cho cộng đồng công chúng, tổ chức hoạt động môi giới chuyên nghiệp, đặc biệt là tổ chức game show truyền hình…

Bên cạnh đó, từ hành vi vi phạm pháp luật của Him Lam Land (cưỡng chế thu hồi mặt bằng), Saigon ICS và M Solution còn có nguy cơ bị thất thoát nhiều hồ sơ, chứng từ, hóa đơn... được lưu trữ từ nhiều năm trước. Việc hành xử sai nguyên tắc và có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Him Lam Land, không những đã xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh của Stock Corner coff ee mà còn đẩy cả Saigon ICS và M Solution vào tình thế phải ngưng hoạt động, có nguy cơ bị phá sản.

Nghiêm trọng hơn, việc cưỡng chế nêu trên còn dẫn đến nguy cơ thất thoát các tài liệu chứng cứ trong nghi án “Vòng quay nghìn tỷ từ hai hợp đồng ký lén” tại Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Đông (OMC). Cụ thể, OMC liên quan đến nghi án “rửa tiền” trong hai hợp đồng trái luật, trị giá 6.445 tỷ đồng, do Phó chủ tịch HĐQT OMC cấu kết với nhóm lợi ích, ép Tổng giám đốc OMC ký. Vì thế, Tổng giám đốc OMC đã tố cáo trước pháp luật. Ông Khiết với tư cách Chủ tịch HĐQT OMC đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cổ đông và theo đuổi vụ việc từ năm 2012 đến nay với nhiều tài liệu, chứng cứ rất quan trọng. Hiện vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra.


DiaOcOnline.vn - Theo Phụ nữ TP.HCM