Top

Hiến kế “thông điểm nghẽn“ sau “cơn ngộ nhận” bất động sản

Cập nhật 21/09/2012 08:10

Những cơn sốt giá nhà và lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản (BĐS) cao vài năm vừa qua đã tạo nên một "cơn ngộ nhận“ về BĐS khiến các doanh nghiệp (DN) đổ xô vào đầu tư, kể cả các DN không có kinh nghiệm và năng lực tài chính.

Tuy nhiên, phát triển thiếu thực tế, sai lệch với khả năng thanh toán và không phù hợp với quy hoạch phát triển của khu vực, cộng với khủng hoảng kinh tế thời gian qua khiến cho thị trường BĐS đang trở thành "điểm nghẽn“ của nền kinh tế, với lượng hàng tồn kho cao, cung ảo thừa trong khi nhu cầu thực vẫn còn dồi dào. Cách nào để giải được hậu quả của "cơn ngộ nhận“ BĐS đang làm đau đầu cả cơ quan quản lý nhà nước, DN, nhà đầu tư và những người đang có mong muốn được an cư. Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đã hiến kế góp phần giải quyết vấn nạn này:

Hình minh họa

TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế:

Hơn 3 tỉ đôla đang "chìm“ trong BĐS

Theo thống kê của một đơn vị tư vấn, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ, TP HCM tồn 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. Nếu tính sơ sơ mỗi căn hộ trị giá 1 tỷ đồng, nền kinh tế đang phải chịu đựng số vốn tồn đọng tới 60.000 tỷ, tương đương gần 3 tỷ đô – la án binh bất động trong hàng trăm dự án lớn nhỏ. Dự báo của các cơ quan quản lý cho thấy, nếu tình hình không được cải thiện, trong vài ba năm tới, con số này có thể lên tới 150 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng):

Phải tái cơ cấu hàng hóa, kiểm soát dòng vốn vào BĐS

Chính phủ đã có chỉ đạo định hướng để quản lý hiệu quả hơn thị trường BĐS, trong đó trước tiên là phải tái cơ cấu hàng hóa BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, kể cả về số lượng, chủng loại hàng hóa BĐS. Các địa phương tiến hành rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, phải kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án cao cấp, ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS thống nhất, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận tín dụng, hạn chế đầu tư nội bộ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng vào BĐS. Giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển dự án mới, nhưng nên nới lỏng cho vay mua nhà của các dự án đã hoàn thành hoặc đang xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn đầu ra cho DN.

TS. Phạm Sĩ Liêm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam):
Dư nợ năm sau thấp hơn năm trước là bất hợp lý

Thời điểm cao nhất, dư nợ BĐS từng lên tới 280.000 tỷ đồng, hiện nay, dư nợ BĐS chừng 180.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường đang phát triển mạnh mẽ mà dư nợ tín dụng lại giảm đi là điều bất hợp lý, chứng tỏ dòng tiền vào BĐS đang giảm và lý giải cho hiện tượng tồn kho BĐS hiện nay: chủ đầu tư không có tiền hoàn thiện dự án thành hàng hóa để bán, còn khách hàng không đủ tiền để mua sản phẩm BĐS.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:
Dừng ngay những dự án không có kết nối hạ tầng

Cần tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng tỷ lệ nhà chung cư lớn hơn 60%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) trong các dự án nhà ở thương mại xây dựng mới. Kiến nghị dừng triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Cty TNHH Địa ốc Đất Lành:
Bộ Xây dựng phải có giải pháp hiệu quả

Theo tôi, DN hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, đừng ngồi đó mà chờ ngân hàng hay Nhà nước cứu mình, bởi bản chất của ngân hàng là đặt lợi nhuận của mình lên trên hết. Trong khi đó, Nhà nước cũng đang “bận” đi cứu các tập đoàn và nhiều ngành nghề khác, mà tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013.

Bộ Xây dựng cũng cần đưa ra những giải pháp có hiệu quả. 2 năm rồi Bộ Xây dựng chưa tự giải quyết mà cứ trông đợi ở tài chính ngân hàng (lập ngân hàng nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác …). Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng đề xuất căn hộ 25m2, nhưng chưa có phản hồi. Nên bỏ tỉ lệ căn hộ A, B, C trong tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323:2004…, cho phép DN chủ động xác định diện tích và tỉ lệ căn hộ theo nhu cầu người dân và thị trường. Đây là cách Nhà nước cứu DN hiệu quả nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN