Top

Hết thời mở đường là 'giàu' nhờ nghiễm nhiên ra mặt tiền

Cập nhật 26/03/2012 13:50

Đây là nội dung tại dự thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2012, được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành và chuyên gia.

Sau khi mở đường giá đất tăng lên gấp nhiều lần so với trước

Một thực tế, sau khi mở đường, xây dựng các khu đô thị, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Nhiều người có đất được hưởng lợi từ việc đầu tư của nhà nước, đất của họ bỗng nhiên có giá hơn trước gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, nhà nước chưa điều tiết được giá trị tăng lên của những người còn đất sau thu hồi, kèm theo đó là chưa tạo được sự công bằng giữa người bị thu hồi đất và người còn đất; chưa có chính sách thu chênh lệch để điều tiết lại hoặc bổ sung ngân sách để tái đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế hiện hành chưa tạo lập được hành lang pháp lý đủ mạnh để Nhà nước điều tiết nguồn lực này theo hướng đây là nguồn lực tài chính to lớn, quan trọng.

Chính những lý do trên, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh theo hướng tổ chức bán đấu giá đối với quỹ đất 2 bên đường để tạo thêm nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện tại về đất đai, Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án thu ngân sách. Phương án 1, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỷ đồng/năm.

Phương án 2, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất bình quân là 98.624 tỷ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản. Theo đó, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ thu được 4 - 5 tỷ USD mỗi năm từ đất đai trong 10 năm tới

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN