Tình hình hiện nay chỉ có thể so sánh với thời kỳ năm 2008, khi hầu hết các thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản (BĐS), kể cả vàng và USD đều tuột dốc hoặc đi ngang. Một hình ảnh suy thoái toàn diện của hệ thống liên thị trường!
Những cánh cửa đã nhanh chóng khép lại đối với giới đầu cơ, dần khép lại trước giới đầu tư và cũng đang sắp đóng hẳn với những người dân chân chất chỉ biết gửi tiền vào kênh tiết kiệm hoặc mua vàng cất giữ phòng xa.
Vàng - nàng tiên được kỳ vọng lớn nhất - đã không còn dang rộng đôi cánh mà bay bổng được nữa. Liên tiếp hàng loạt các Thông tư 30, 32 và 33 của Ngân hàng Nhà nước, cùng với chiến dịch bán hơn hai chục tấn vàng của không chỉ SJC mà cả một số ngân hàng tầm cỡ như ACB, STB, Eximbank, Techcombank và Đông Á đã đẩy các nhóm đầu cơ vàng vào tình thế phải đối chọi với nhóm "5+1", đứng phía sau là Ngân hàng Nhà nước và cả Chính phủ - một tình thế mang xác suất thua nhiều hơn thắng.
Vàng sẽ không còn sóng ít ra trong ngắn hạn, đó là điều chắc chắn. Giới đầu cơ vàng thừa hiểu rằng trước mắt, giá vàng trong nước sẽ được kéo về tương đương với giá quy đổi của vàng thế giới. Sau đó, thanh khoản giao dịch vàng sẽ có xu hướng gần gũi với nỗi chán ngấy đã xảy ra và đang tái hiện trong TTCK. Quả là hết đất làm ăn!
Cho tới giờ, có thể nói vàng là kênh đầu tư cuối cùng bị "đóng cửa". Trước đó, lãi suất thỏa thuận dành cho tiết kiệm cũng là một kênh tàm tạm, nhưng sau hàng loạt động tác kỷ luật hành chính của Ngân hàng Nhà nước đối với việc huy động vượt trần lãi suất 14%, thì các ngân hàng bắt đầu hiểu ra là cơ quan này muốn nói "Các anh đùa với tôi đấy hả?" (phỏng theo lời chất vấn - tán thán của bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khi thị sát công trình sân bay Đà Nẵng vừa qua). Còn đến khi cả Tổng cục Cảnh sát cũng vào cuộc theo cách "qua đấu tranh, khai thác... " đối với trường hợp ngân hàng HDBank, mọi chuyện dĩ nhiên đang trở nên nghiêm trọng.
Các nhà đầu tư lúng túng vì các "cửa" làm ăn giờ đều khó (ảnh minh họa - NLĐ)
Nếu người gửi tiết kiệm "oải" một thì giới đầu cơ và đầu tư còn mệt mỏi hơn thế gấp mấy lần. Không còn lãi suất thỏa thuận, cũng chẳng còn sóng vàng để đánh lên đánh xuống, họ lao sang USD với hy vọng cuối cùng là kênh này sẽ "tung tăng" được như đã từng như thế vào những tháng cuối năm trước. Nhưng một lần nữa, họ lại phải rước lấy nỗi thất vọng tràn trề: Nhà nước có đến 15 tỷ đô la Mỹ dự trữ, quá đủ để bình ổn tỷ giá ngoại tệ. Bởi thế USD cầm chắc sẽ không có sóng lớn.
Còn đầu tư vào hàng hóa thì sao? Có lẽ đó là phương kế cuối cùng của giới đầu cơ. Một số ngành vẫn có triển vọng lâu dài như cao su. Nhưng đó là lâu dài, chứ trong trung hạn và đặc biệt ngắn hạn thì chẳng thể có chút lời lãi nào cả. Trong khi đó, giá thực phẩm lại đang có chiều hướng hạ. Nói gì thì nói, giá thịt heo hiện giờ hạ đến gần 40% so thời điểm tháng 8/2011 cũng phải nói lên một cái gì đó chứ. Phải chăng đúng như IMF dự báo, thế giới đang tiến vào một cuộc suy thoái mà khi đó giá cả hàng hóa bắt buộc phải hạ? Mà đã hạ thì đầu tư để rước lấy lỗ à?
Nói theo cách dân gian, "suy thoái toàn tập" đang ám ảnh ngày đêm đối với những người thiếu tiền và cả những người giữ tiền. Muốn thoát khỏi tình trạng suy thoái thị trường kèm theo bạc nhược cơ thể, nhà đầu tư phải cố gắng tìm ngay ra một kênh nào đó, ít nhất cũng để thử vận may.
Cực chẳng đã, một số nhà đầu tư ngó ngàng sang kênh chứng khoán. Cái kênh này dù rủi ro rất cao nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn so với các kênh khác. Và cho dù từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường này cứ miệt mài suy giảm, nhưng thường vào cuối mỗi quý, giới chuyên gia phân tích chứng khoán lại khơi dậy hy vọng sống sót cho nhà đầu tư trong thị trường và quyến rũ những người còn đứng ngoài thị trường bằng dự báo về đáy dài hạn của TTCK có thể được thiết lập vào quý sau.
Cũng từ đầu năm 2011 đến giờ, có lẽ TTCK đã hình thành ít nhất ba lần "đáy dài hạn". Chẳng lần nào giống lần nào, nhưng các lần đều tương đồng nhau ở chỗ cứ sau đáy này lại hiện ra một cái đáy khác. Các nhà đầu tư trong cuộc và mới nhấp nhổm thò chân vào cũng trượt dài trong đầm lầy càng lúc càng sâu hơn. Thế thì biết tin vào ai đây?
Mới đây, trong cuộc hội thảo về TTCK do Công ty chứng khoán Vietcombank tổ chức tại Hà Nội, lại thêm một dự báo nữa cho sự khởi sắc trở lại của TTCK. Lần này, dự báo đến từ một chuyên gia rất quen thuộc: ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
CPI năm 2012 sẽ vào khoảng 9%, lãi suất cho vay sẽ khoảng 14-15% năm 2012 và 12-13% năm 2013..., từ đó TTCK sẽ khởi sắc vào đầu năm 2012 - đó là nhận định của vị chuyên gia này. Thậm chí, ông Nghĩa còn dự báo cụ thể là từ tháng 7/2012 và sang cả năm 2013, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào TTCK.
Với những nhà đầu tư ít quan tâm đến vấn đề vĩ mô mà chỉ chăm bẳm vào hai màu xanh - đỏ của TTCK, những cơ sở nhằm thuyết minh cho nhận định trên sẽ chẳng mấy có giá trị, và do vậy họ có thể cho rằng dự báo của ông Nghĩa chỉ thuần về cảm tính. Nhưng lại có một cơ sở khác, khá gần gũi, đó là trong đợt tăng chứng khoán từ giữa tháng 8 đến gần giữa tháng 9/2011, ông Nghĩa đã đánh giá chính xác khi cho rằng đó chỉ là sóng tăng ngắn hạn chứ không phản ánh sự phục hồi bền vững của TTCK.
Nếu dự báo của ông Lê Xuân Nghĩa về TTCK năm 2012 là đúng, TTCK vẫn còn có cơ may để "bước ra khỏi địa ngục". Nhưng đó là chuyện của năm 2012, còn vào lúc này thì mọi chuyện dường như vẫn còn nằm trong bóng tối.
Cũng nằm trong bóng tối với TTCK, thị trường BĐS càng như bất động hơn khi thời điểm cuối năm càng gần lại. Khỏi phải nói cũng biết rằng trong suốt một thời gian dài qua, các nhà đầu tư BĐS đã lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính và cả về tinh thần như thế nào.
Trong bối cảnh mà hầu hết các kênh đầu tư khác đều đi ngang hoặc đi xuống, không ít người đã nghĩ đến việc bỏ tiền vào nhà đất như một vị thế bắt đáy chứng khoán, nhưng tránh được rủi ro hơn so với hoạt động đầu tư cổ phiếu. Trong cách nhìn của một số người, thị trường BĐS dù sao cũng không đến nỗi trở thành "đứa con rơi" như TTCK với thái độ thiếu trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thậm chí ngược lại, thị trường BĐS còn được những cơ quan hữu trách như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra khá ưu ái. Được nhận tình cảm ưu ái ấy, ít ra nó cũng không thể "chết".
Cứ cho rằng thị trường BĐS có thể hồi phục, nhưng vấn đề hiện thời đang làm nhức đầu giới đầu cơ và đầu tư là khi nào, thời điểm nào nó sẽ bắt đầu phục hồi. Thứ nữa, đầu tư vào khu vực nào khi phép thử quy hoạch Thủ đô đã trôi qua hơn 2 tháng mà nhà đất Hà Nội vẫn không hề nhúc nhích, hoặc bất chấp những cuộc hội thảo "chào hàng" mà địa ốc Đà Nẵng vẫn lặng tăm? Cùng lúc, thị trường BĐS TP.HCM tuy không bị xuống dốc như Hà Nội nhưng "lên" thì cũng chẳng thấy đâu...
Quả là tất cả các thị trường giờ đây đều rơi vào tình thế khôi hài đến bĩ cực, người kẹt hàng lẫn người giữ tiền đều cùng nỗi cám cảnh mất phương hướng. Tình hình này nếu kéo dài đến giữa năm sau thì không hiểu mọi sự và hậu quả của nó sẽ đến thế nào?
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: