Một hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (hệ thống thông tin BĐS) là mong ước bao lâu nay của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nó đã được “cấp giấy khai sinh” từ ngày 1-1-2016(1) nhưng đến nay vẫn chưa thành hình để đưa ra công chúng.
Một hệ thống thông tin bất động sản thống nhất và tin cậy sẽ giúp thanh lọc nhà đầu tư và minh bạch thị trường bất động sản. Ảnh: MINH KHUÊ
|
Dẫu biết xây dựng hệ thống thông tin BĐS là khó về mọi mặt nhưng không vì thế mà không làm hay trì hoãn quá lâu. Cần cụ thể hóa quyền công dân được tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin. |
Báo cáo của các doanh nghiệp thì chưa được quan tâm đúng mực về tính chính xác và trung thực mặc dù có quy định nghiêm cấm hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ.
Làm thế nào để cơ quan quản lý thông tin có thể kiểm chứng được tính chính xác và trung thực của thông tin từ các báo cáo? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể báo cáo các thông tin đầy đủ, chính xác, mà không sợ bị cơ quan quản lý nhà nước bắt lỗi và xử phạt? Điều này phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng, chất lượng nhân sự quản lý hệ thống thông tin, sự đồng bộ trong kết nối thông tin từ tất cả các cơ quan có liên quan đến BĐS và việc hệ thống hạ tầng có phù hợp hay không.
Hơn bất cứ các yếu tố này là cuộc cách mạng tư duy, xem doanh nghiệp là đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước chứ không phải là đối tượng quản lý hành chính. Mặt khác liệu các hành vi bị cấm như làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát thông tin, dữ liệu; chiếm giữ, tiêu hủy trái phép; cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin... có được các cơ quan, cá nhân nghiêm ngặt tuân thủ?
Để khai thác thông tin hiệu quả và tiện lợi
Hệ thống thông tin BĐS sẽ được khai thác và sử dụng qua mạng Internet, trang điện tử của Bộ Xây dựng và các sở xây dựng, mạng chuyên dùng, văn bản yêu cầu. Khi hệ thống thông tin BĐS đồng bộ và tin cậy, ắt hẳn đó là nguồn thông tin quý giá cho cá nhân và doanh nghiệp. Bởi vì, hệ thống này chứa các thông tin như chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; thông tin cơ bản, số lượng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở; số liệu các dự án BĐS; tình hình giao dịch BĐS; tài chính; dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS... Ðiều này sẽ giúp thị trường BĐS trở về đúng giá trị thực và trở thành kênh đầu tư an toàn cho cả doanh nghiệp và cá nhân. Các cá nhân sẽ thôi không bị dắt mũi bởi một hệ thống cò dày đặc trong những cơn sốt ảo hay sốt thật của thị trường BĐS. Thông tin mập mờ và hệ thống cò đã góp phần hình thành bong bóng BĐS ở một vài nơi ngay cả khi thị trường đang đóng băng và chạm đáy trên phạm vi cả nước.
Vấn đề e ngại ở đây là liệu hệ thống thông tin BĐS này có được cập nhật kịp thời hay không. Nếu cá nhân, tổ chức yêu cầu thì có được cung cấp thông tin đầy đủ, đúng yêu cầu, thuận tiện, đúng hẹn không? Câu trả lời chính xác hẳn phải qua một thời gian vận hành nhất định.
Vấn đề quản lý thông tin
Bộ Xây dựng và sở xây dựng sẽ xây dựng quy chế về xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý hệ thống thông tin, thực hiện các giải pháp về an ninh, an toàn thông tin. Những thông tin về nhà ở và thị trường BĐS là mảng thông tin nhạy cảm. Khi hệ thống thông tin này được xem là kênh thông tin tin cậy và chính thống duy nhất thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kênh đầu tư BĐS tại Việt Nam và có thể sẽ trở thành đối tượng bị ăn cắp hoặc bị các tin tặc tấn công. Do đó, việc quản lý thông tin an toàn, bảo mật sẽ khó khăn hơn các đối tượng thông tin khác.
Tình trạng rò rỉ thông tin để trục lợi, cung cấp thông tin bất hợp pháp liệu có được ngăn chặn? Chúng ta thường thấy hiện tượng một vài dự án BĐS vệ tinh đầu tư “đón đầu” một cách chính xác một dự án lớn nào đó khi nó còn đang trong quá trình nghị bàn. Việc đầu tư đón đầu này có mạo hiểm? Liệu chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, nhu cầu đối với các loại BĐS... có bị rò rỉ trước khi được đưa lên kênh truyền thông chính thống và kịp áp dụng các chế độ bảo mật của hệ thống thông tin? Ðiều này phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm và ý thức của người trực tiếp nắm giữ thông tin chứ không phụ thuộc nhiều vào hàng rào kỹ thuật hay một quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào.
Một hệ thống thông tin BĐS thống nhất và tin cậy sẽ giúp những nhà đầu tư bền vững kinh doanh hiệu quả, giúp người dân nắm được những thông tin cần thiết trước khi quyết định mua một căn nhà hay nhận chuyển nhượng một miếng đất để an cư. Nó cũng giúp thanh lọc nhà đầu tư và minh bạch thị trường BĐS.
Dẫu biết xây dựng hệ thống thông tin BĐS là khó về mọi mặt nhưng không vì thế mà không làm hay trì hoãn quá lâu. Cần cụ thể hóa quyền công dân được tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin. Mọi thứ cần phải có sự bắt đầu như người ta thường nói “cứ đi, rồi sẽ tới”.
(1) Ngày Nghị định 117/2015/NÐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS có hiệu lực thi hành.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: