Top

Hãy lắng nghe giới kiến trúc

Cập nhật 26/12/2008 15:28

Ghi nhận những ý kiến của kiến trúc sư Ando Tadao trong buổi giao lưu mới đây với một số kiến trúc sư và sinh viên VN, trước sự chứng kiến của nhiều quan chức TP Hà Nội.

Sự phát triển đô thị ngày nay chịu ảnh hưởng của ba yếu tố: chính quyền (định hướng phát triển), doanh nghiệp (đóng góp tiền của) và người dân (muốn gì).

Bằng cấp không phải là tất cả

Cho đến tận hôm nay, tại Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác vẫn đánh giá con người qua bằng cấp, học vị. Còn tôi thì không bằng cấp gì cả. Tôi không có nhiều tiền nhưng tôi có sức khỏe và khát vọng của tuổi trẻ và quyết tâm phấn đấu trở thành kiến trúc sư (KTS) theo con đường tự học. Ý chí kiên cường của người chơi boxing (năm 17 tuổi, Ando Tadao đã tham gia thi đấu chuyên nghiệp) và những cuốn sách về kiến trúc của KTS thiên tài người Pháp Le Corbusier đã dạy cho tôi nhiều điều.

Năm 1962, khi 21 tuổi, tôi đến nhiều nơi trên thế giới để được xem những công trình, những nền kiến trúc khác nhau. Dù việc tự học khó khăn hơn rất nhiều so với việc được giảng dạy tại trường đại học, nhưng không vì thế mà những người không có điều kiện như tôi không tìm được cơ hội để vươn lên. Ai cũng có cơ hội và cơ hội nằm chính trong mỗi người, trong sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi người. Các bạn trẻ hãy chọn con đường riêng phù hợp để phát triển, cần thực hành nhiều hơn lý thuyết.

Kiến trúc xanh cho đô thị

Người Nhật có quan điểm làm gì cũng cố gắng hài hòa với thiên nhiên. Còn bản thân tôi cho rằng đô thị phải là sự kết hợp giữa con người, văn hóa và màu xanh thiên nhiên, là sự liên kết chặt chẽ giữa cái cũ, cái cổ kính và sự hiện đại. Trong môi trường luôn diễn biến phức tạp bởi thiên tai, hiệu ứng nhà kính... gay gắt như hiện nay, phủ cây xanh cho các công trình kiến trúc là rất cần thiết. Tôi nghĩ, các đô thị tại VN cũng nên phát triển theo hướng như vậy.



67 tuổi, Ando Tadao hiện là một trong bốn
kiến trúc sư nổi tiếng nhất Nhật Bản, có văn
phòng đặt tại Osaka với 30 chuyên viên đang
thiết kế hàng loạt công trình trên thế giới. Do
kinh tế gia đình không cho phép đến trường
đại học, Ando Tadao là người đi lên bằng
con đường tự học.

Trước kia, ngay bên vịnh Tokyo là một bãi rác rộng 100 ha, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Chúng tôi đã xin cấp phép để biến nơi đây thành một khu đô thị. Chúng tôi đã kêu gọi tham gia đầu tư, thiết kế không chỉ ở Nhật mà còn ở một số nước trên thế giới, thậm chí còn kêu gọi mỗi người quyên góp 10 USD. Tôi đã sang châu Phi, châu Âu, gặp những nhân vật như cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac để vận động ông ủng hộ dự án... Và cuộc vận động ấy đã được đáp ứng. Chúng tôi có thêm kinh phí để cải tạo, xây dựng và trồng cây phủ xanh bãi rác, mái nhà, trường học; cả những bức tường cũng được phủ cây xanh và giờ đây nó đã trở thành một khu đô thị xanh hàng đầu của Nhật Bản. Và TP Hà Nội cũng nên vậy. Trong sự phát triển cần quy tụ trí tuệ và tiền của trên thế giới.

Chính quyền hãy biết lắng nghe


Chính quyền là cơ quan quyết định hướng phát triển đô thị. Tuy nhiên, cũng như ở Nhật, nhiều khi chính quyền không chịu lắng nghe ý kiến của người dân và giới kiến trúc.

Năm 1969, tôi mở văn phòng KTS ở Osaka. Dù khi đó vẫn chỉ là một người vô danh, nhưng tôi đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền Osaka, rằng nên tận dụng phần mái các nhà cao tầng để trồng cây xanh, làm bảo tàng, nơi triển lãm mỹ thuật... Nhưng ý kiến của tôi không được chính quyền TP lắng nghe, người ta còn hỏi tôi: Anh định biến Osaka thành cái gì? Với TP Hà Nội của các bạn, cũng như nhiều đô thị khác trên thế giới, vấn đề đặt ra là phát triển đô thị nhưng phải giữ được bản sắc. Ở Nhật Bản, có những khu phố hiện vẫn còn tồn tại nhiều ngôi nhà cổ trên trăm tuổi, thậm chí đã hơn 200 năm. Trong quá trình phát triển, chúng tôi không phá vỡ vẻ bề ngoài cổ kính của nó, nhưng để phù hợp với cuộc sống mới thì bên trong phải có không gian và trang thiết bị hiện đại.

Người Đô Thị