Top

Thị trường bất động sản

Hậu quả đến từ... đầu cơ

Cập nhật 20/03/2012 11:40

Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất về tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản được Công ty Colliers International Việt Nam đưa ra, các nhà đầu cơ chiếm 60 đến 70% số người mua nhà tại Việt Nam.

Còn lại, số người có nhu cầu thật là những cặp vợ chồng trẻ và những người ở các tỉnh, thành khác mua nhà cho con ở để học và làm việc tại thành phố.

Lẽ ra, chính sách mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 13-3, thực hiện giảm ba loại lãi suất chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, sẽ được cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản "ăn mừng", song, thực tế không hẳn vậy. Bởi qua thăm dò ý kiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực này cho thấy, họ chẳng mấy hồ hởi. Phó Giám đốc một công ty nhận xét, hạ lãi suất 1% có thể xem là động thái tích cực cho thị trường, song, xét ở góc độ nhà đầu tư đi vay, 1% trần lãi suất huy động không có ý nghĩa gì khi các khoản nợ của doanh nghiệp còn kẹt lại đó, lãi suất vay vẫn cao, trong khi đó, dự án vẫn "đắp chiếu" không có người mua.

Với tình trạng thị trường kéo dài đóng băng, có thể sẽ xảy ra thêm những vụ khiếu kiện từ khách hàng, khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết ban đầu. Mà hiện nay, hàng loạt dự án đang triển khai đã phải tạm dừng, như dự án CT1 Vân Canh. Chủ đầu tư dự án này huy động vốn của khách hàng từ đầu năm 2010, nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn nguyên hiện trạng như từ khi khởi công (tháng 7-2011). Rồi đến Khu nhà ở cao cấp Skylight (quận Hai Bà Trưng), dù trước đó, chủ đầu tư dự tính hoàn thành vào tháng 6-2011, song, đến nay, mới đang thi công hai tòa nhà đến tầng 13, phần xây dựng nhà liền kề vẫn chưa triển khai. Nhiều dự án khác cũng thi công cầm chừng, như chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư L3, L4, L5 (Ciputra), dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án AZ Lâm Viên Complex tòa nhà PVI Tower - Khu đô thị mới Yên Hòa (quận Cầu Giấy), tòa nhà Hadinco Tower - Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm)...

Kết quả nghiên cứu của Công ty CBRE Việt Nam thống kê từ một số ngân hàng cho thấy, tình hình tài chính của người mua nhà đang xấu đi rõ rệt vào thời điểm cuối năm 2011. Tỷ lệ các khoản vay mua nhà quá hạn thanh toán lên tới 10%, trong khi con số này chỉ là 5% hồi đầu năm và vượt xa ngưỡng an toàn 3%. Một điểm đáng lưu ý, là nguồn chi trả chính cho các khoản vay mua nhà là doanh thu từ các hoạt động kinh doanh độc lập của người vay thay vì từ lương. Nguồn kinh doanh này đang bị thiếu hụt vì khó khăn của nền kinh tế cho nên khả năng chi trả của người mua kém đi.

Trở lại vấn đề lãi suất ngân hàng giảm, vị phó giám đốc công ty nêu trên thẳng thắn cho rằng: Trong lúc này, chỉ một số ngân hàng thật sự có "sức khỏe" mới cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn lớn, chứ những ngân hàng "hơi yếu" sẽ không ôm thêm số nợ rủi ro. Giả dụ có vốn triển khai ngay dự án, chưa chắc đã bán được sản phẩm với giá cao như trước.

Vậy là đã rõ phần nào. Trước đây, cả một thời gian dài, thị trường bất động sản đã để giới đầu cơ "làm xiếc". Giá bị đẩy lên quá cao, lời lãi bao nhiêu lại được đầu tư vào nhà, đất. Tâm lý đám đông kéo mọi người vay vốn ngân hàng mua bất động sản kiếm lời. Đến khi thị trường đóng băng, đúng chu kỳ nền kinh tế ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu, cho nên dù ngay lúc này, chủ đầu tư có vốn để triển khai dự án cũng khó bán được hàng. Do người có nhu cầu thật không đủ tiềm lực tài chính để mua, trong khi giới đầu cơ - lực lượng chính thúc thị trường ấm lên lại bị đọng vốn vì sản phẩm không lưu thông, và vì nợ ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân