Top

Hành nhau bằng bản vẽ

Cập nhật 29/10/2007 15:00

Sau đủ loại bản vẽ nhà, đất theo các nghị định và quyết định khác nhau, TP. HCM đang quay về với bản vẽ theo Quyết định 91 ban hành năm 2001.

Lý giải về sự thay đổi trên, UBND TP. HCM cho rằng bản vẽ theo Quyết định 54 năm 2007 quá phức tạp, rườm rà, trong khi bản vẽ theo Quyết định 91 đơn giản hơn và thành phố cũng đã cấp khoảng 300.000 “giấy hồng” cũ căn cứ trên bản vẽ này. Theo Sở Xây dựng, những bản vẽ cũ đã nộp kèm hồ sơ xin cấp giấy hồng sẽ không phải vẽ lại, còn những bản vẽ lập sau ngày 20.10 đều phải làm lại theo mẫu mới.

Thoạt nghe cũng hợp lý, nhưng thực tế không phải vậy. Khi Quyết định 54 có hiệu lực, các công ty đo vẽ đã phải è ra làm đúng theo các tiêu chí đã định. Trừ số bản vẽ đã phát hành trước ngày 20.10, những bản vẽ đang làm sẽ phải chỉnh sửa. Con số này ước tính lên đến 20.000 bản vẽ trên toàn thành phố. Nếu điều chỉnh thì cả công ty lẫn người dân đều cần thêm thời gian, và do đó hồ sơ xin cấp giấy hồng sẽ không thể nộp sớm hơn.

Vấn đề cần bàn thêm là chính các quận, huyện lại không "ưng" bản vẽ mới. Theo nhiều cán bộ nhà, đất, bản vẽ mới quá đơn giản, chỉ thể hiện khung diện tích tầng một chứ không có toạ độ, ranh mốc, mặt bằng của các tầng. Vì thế, các cơ quan chức năng không thể biết được nhà đó có vi phạm các quy định về tĩnh không, hành lang an toàn lưới điện hay không... Quyết định thay đổi mẫu bản vẽ không hề xuất phát từ yêu cầu của các quận, huyện mà từ thành phố. Nhận thấy có nhiều điểm dễ gây lúng túng cho các cơ quan hữu quan trong trường hợp tranh chấp, hiện các quận, huyện vẫn đang tiếp tục áp dụng mẫu bản vẽ cũ!

Ngoài ra, hàng chục ngàn bản vẽ theo Quyết định 207 cũng đang “hành” cả chính quyền lẫn người dân. Đó là bản vẽ mà những nhà xây dựng không phép, sai phép buộc phải dùng để nộp hồ sơ xin tồn tại nhà theo quy định trước đây. Để người dân không phải vẽ lại bản vẽ khác, gây lãng phí, tốn kém, Quyết định 54 cho phép sử dụng bản vẽ này để nộp hồ sơ xin cấp giấy hồng, với điều kiện các quận, huyện phải chủ động điều chỉnh cho phù hợp. Song việc điều chỉnh không hề đơn giản mà tựa như phải vẽ lại bản khác, rất hao công tốn sức. Nhiều quận, huyện không thể chỉnh sửa kịp thời khiến nhiều hồ sơ xin cấp giấy hồng bị ngâm tiếp! Để tự cứu, nhiều người dân đã vứt đi bản vẽ 207 và bỏ thêm cả triệu đồng để đi làm bản vẽ mới.

Chuyện bản vẽ đổi tới đổi lui là hệ lụy của việc giấy tờ nhà, đất thay đổi xoành xoạch. Hiện nhiều nơi vừa xài bản vẽ cũ, vừa xài bản vẽ mới bất kể thời điểm. Ai phải gánh hậu quả của tình trạng gật lắc liên tục này nếu không phải người dân?

Theo Sài Gòn Tiếp Thị