Cứ 10 điểm giao dịch thành lập trong năm 2007, đến nay có khoảng 3 đến 4 điểm phải đóng cửa. Số còn lại thì vắng khách và hoạt động cầm chừng.
Tình trạng ế ẩm của thị trường bất động sản (BĐS) trong gần 1 năm qua khiến các điểm môi giới nhà, đất ở những điểm "nóng" về giao dịch tại quận 2, 7... - TPHCM rơi vào tình trạng đìu hiu, trong đó nhiều điểm buộc phải đóng cửa vì không kham nổi gánh nặng chi phí.
Đại gia cũng khóc!
Là công ty được xem là hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dự án, môi giới sản phẩm nhà, đất và có sự hậu thuẫn của các ngân hàng sẵn sàng rót tiền cho vay, thế nhưng mới đây lãnh đạo công ty S. phải thú thật hiện đã tinh giảm hơn 30% nhân sự, đồng thời thu hẹp hoạt động của chuỗi đại lý giao dịch trên cả nước từ hơn 30 điểm xuống còn phân nửa.
Những nhân viên còn giữ lại lương cũng giảm 30% so với trước. Tương tự, Công ty Môi giới BĐS P.H tách ra từ một đơn vị chuyên đầu tư dự án khá nổi tiếng tại khu Nam TPHCM, trong năm 2007 từng làm mưa làm gió khiến những công ty cùng lĩnh vực phải e ngại về tốc độ bành trướng bởi quy mô lên tới 15 văn phòng giao dịch trải đều ở nhiều tỉnh Nam Bộ và vài trăm nhân viên trong hệ thống.
Tuy nhiên, đến lúc này, Công ty P.H cũng đã phải đóng cửa trên 10 văn phòng, cho nghỉ việc cả trăm nhân viên do thị trường đóng băng. Nhiều công ty môi giới khác cũng phải tự đóng cửa bởi tình trạng không có khách hàng.
Giám đốc một trong những chuỗi đại lý môi giới nhà, đất than vãn: "Với thực tế thị trường hiện nay, ngồi chơi không cũng là một giải pháp tiết kiệm chi phí quản lý để tránh cho công ty lỗ nặng nếu cứ tiếp tục hoạt động".
Phân tích tình hình sụt giảm hoạt động của hàng loạt công ty môi giới "đại gia", ông Lương Trí Thìn, giảng viên môn BĐS thuộc Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: "Sau một thời gian tăng trưởng "nóng", việc các đơn vị này cơ cấu lại nhằm giảm số lượng để tăng chất lượng phục vụ cũng là điều tốt".
Theo ông Thìn, thực tế cho thấy nhiều điểm giao dịch kinh doanh trước đây "mọc" lên như nấm sau mưa chỉ để phục vụ cho hai loại sản phẩm là căn hộ cao cấp và đất nền. Loại sản phẩm trên, trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu đầu tư nên khi thị trường xuống dốc thì buộc phải đóng cửa là điều tất yếu.
Với những điểm giao dịch tập trung vào đối tượng có nhu cầu mua nhà, đất để ở sẽ "dễ thở hơn" vì nhu cầu này là có thực và không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá trị tăng ảo như trong thời gian qua.
Đóng cửa, trả nhà
"30% đến 40% điểm môi giới đóng cửa". Đó là con số ước chừng của các chuyên gia địa ốc về mức độ suy giảm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Có thể nói cơn bão suy thoái của thị trường đã cuốn phăng rất nhiều điểm môi giới của các doanh nghiệp ít vốn hoặc trước đây mở theo kiểu "mì ăn liền".
Một trong những khu vực bị tác động nhiều nhất do thị trường đóng băng có lẽ là khu phía Đông TPHCM (quận 2, 9...). Ngày 20-11, dạo quanh một vòng các điểm môi giới, chúng tôi nhận thấy nhiều địa điểm trước đây từng là điểm giao dịch nay những cơ sở đó đã hạ bảng hiệu, treo biển cho thuê nhà... Theo ghi nhận, cứ 10 điểm giao dịch thành lập trong năm 2007, tới nay có khoảng 3 đến 4 điểm phải đóng cửa. Số còn lại thì vắng khách và hoạt động cầm chừng.
Mới đầu giờ chiều, nhưng tại một điểm giao dịch địa ốc có tên Đ. trên đường Trần Não (quận 2), một nhóm nhân viên tụ tập đàn hát. Thấy có người vào, hai nhân viên vội đứng dậy đón khách. Điểm giao dịch này là chi nhánh của một công ty BĐS tên tuổi có trụ sở tại quận 3.
Một nhân viên ở đây thật thà: Do không có khách hàng giao dịch nên các nhân viên ca hát để giết thời gian! Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng đường Trần Não, trên một đoạn đường dài 1 km có hơn 40 điểm giao dịch nhưng có đến 1/4 số điểm đóng cửa, không hoạt động.
Tại các tuyến đường như Trần Não, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Đỗ Xuân Hợp (quận 9) là nơi tập trung dày đặc các điểm giao dịch từng được xem là "chợ BĐS" rất nhộn nhịp nhưng hiện tại cũng rất... đìu hiu.
"Không thể vì ít việc mà ngừng hợp đồng công việc với nhân viên, nhưng nếu vẫn duy trì trong khi không có giao dịch mua bán thì không biết lấy tiền đâu ra để trả lương...!" - giám đốc một công ty địa ốc than thở.
Tại các công ty môi giới, sàn giao dịch cũng không khá hơn. Hầu hết đều hoạt động cầm chừng với vài nhân viên ngồi trực điện thoại, 90% các sàn giao dịch làm việc giờ hành chính và nghỉ 2 ngày cuối tuần, dù trước đây, cuối tuần mới là thời điểm nhiều người đi xem nhà, xem đất.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: