Trước sự phát triển nhanh của số lượng khách du lịch vào Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp không khói cũng được đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Việt Nam hiện có nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, chẳng hạn như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort. Ảnh: Tuấn Khánh |
Năm 2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế ước đạt hơn 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái và khách nội địa đạt khoảng 40,7 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ.
Lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ những năm gần đây được lý giải không chỉ bởi Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử quý giá, mà còn bởi hệ thống cơ sở hạ tầng đã được chú trọng đầu tư mạnh mẽ.
Nhằm chuẩn bị tốt, xứng đáng với thế mạnh và nhu cầu của du khách, bất động sản nghỉ dưỡng có những bước phát triển đột phá với nhiều loại hình như hotel, biệt thự, condotel… được triển khai theo mô hình timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ), đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc...
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là nước có cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, mạnh trong những năm gần đây khi hàng trăm km đường cao tốc mới, hệ thống đường sắt trên cao tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng một loạt sân bay được nâng cấp, xây mới được triển khai. Đây là những dự án hạ tầng trọng điểm, được cho là sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông quốc gia.
Điều này sẽ trở thành bước đệm cho ngành du lịch có những bước đột phá và từ đó, bất động sản du lịch chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi. Do đó, không có gì khó hiểu khi các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài rất quan tâm, cam kết đầu tư để khai thác “mỏ vàng” này tại Việt Nam một cách rầm rộ.
Ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao tại Bộ phận Đầu tư kinh doanh khách sạn, Tập đoàn Jones Lang Lasalle, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công tại Việt Nam đang tập trung cao độ vào các dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, các nhà đầu tư vào phân khúc khách sạn rất muốn tận dụng cơ hội này.
Năm 2016 là năm mà thị trường bất động sản Việt Nam đã nhìn thấy sự gia tăng kỷ lục về số lượng các giao dịch trong lĩnh vực khách sạn. Tổng mức đầu tư vào khu vực này tại Việt Nam đã bằng 83% tổng mức đầu tư tương tự của Thái Lan, một thị trường mà xưa nay luôn bỏ xa Việt Nam trong các bảng xếp hạng.
“Trước nay rất nhiều du khách đến Việt Nam chỉ đến một lần và không đến lần sau nữa, do đó Việt Nam đang tự xây dựng thành một điểm đến có thể níu giữ khách du lịch, đã đến một lần thì sẽ đến lần 2, lần 3 và nhiều lần sau nữa. Hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đã mở ra rất nhiều điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng ven biển, trong đó Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh là những “điểm nóng” thu hút các nhà đầu tư”, ông Bury nhận định.
Không chỉ dừng lại ở các nhà đầu tư trong nước, ngành khách sạn của Việt Nam cũng đang có sự tham gia rất nhiều từ các thương hiệu và nhãn hiệu quốc tế. Việc làm mới thương hiệu của chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng The Nam Hải tại Hội An của Four Seasons và sự xuất hiện dự án thứ hai của nhà đầu tư này cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế có ý định “cắm rễ” tại thị trường Việt Nam.
Theo một số chuyên gia đánh giá, trong vòng trong 1 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận một sự gia tăng rõ rệt các khách sạn mang thương hiệu quốc tế. Điển hình là Tập đoàn Hilton Worldwide với hàng loạt dự án đã hoạt động như Hilton Hanoi Opera và Hilton Garden Inn Hà Nội, Hilton Hanoi Westlake và DoubleTree by Hilton Hanoi Westlake, Hilton Hải Phòng Hotels & Residences, DoubleTree by Hilton Đồ Sơn, Double Tree by Hilton Vũng Tàu và Hilton Garden Inn TP.HCM...
Ngoài ra, còn có khá nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc hay Thái Lan đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: