Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước nhưng các dự án nhà ở xã hội muốn thu hút được khách hàng vẫn phải tuân theo quy luật cạnh tranh đặc biệt là chất lượng công trình.
Để phát triển quỹ nhà ở xã hội, về phía chính phủ, đã đưa ra nhiều ưu đãi, như không thu thuế hoặc giảm thuế, không thu tiền đất, tăng mật độ xây dựng với, được ưu đãi về nguồn vốn tín dụng,thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được rút gọn, không phải xin giấy phép xây dựng... Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ xây dựng tiếp tục đề xuất cho phép miễn, giảm thuế GTGT cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép các DN đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế, thu nhập DN ở mức cao nhất…Mục tiêu là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được mua nhà giá rẻ, khuyến khích DN phát triển nhà xã hội.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về phía doanh nghiệp làm sao phải giải bài toán nhà ở chất lượng không thấp nhưng giá thành thấp? Bên cạnh cơ chế chính sách, các DN phải vận dụng thành tựu mới trong khoa học công nghệ, ví dụ như Vinaconex đã vận dụng công nghệ sản xuất và lắp dựng các cấu kiện bê tông dự ứng lực, công nghệ lắp ghép với phương pháp trượt lõi cầu thang… Viglacera cũng làm rất tốt ở các dự án nhà ở cho công nhân, nhà giá rẻ Đặng Xá.
Theo khảo sát, với mức hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay về thuế, về tiền sử dụng đất, nhất là từ gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ, giá nhà xã hội đã có giá từ 10- 12 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, một số tỉnh thành khác như Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Bắc Ninh,…có giá dưới 7 triệu đồng/m2. Thực tế hiện nay đã có những dự án như thế như dự án CEO Quốc Oai có giá 8 triệu đồng/m2, dự án Viglacera tại Đặng Xá có giá 8,5 triệu đồng/m2, Tây Nam Linh Đàm 12 triệu đồng/m2, và Thanh Lâm Đại Thịnh giá dưới 9 triệu đồng/m2…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nhà ở xã hội mà chúng ta đang xây dựng có chất lượng không khác gì nhà ở thương mại về yêu cầu kỹ thuật và an toàn, chỉ khác nhau về vật liệu hoàn thiện. Điều này thể hiện từ chất lượng kiến trúc, chất lượng cảnh quan môi trường đến chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhà ở xã hội vẫn phải cạnh tranh và người dân có toàn quyền lựa chọn mà không bị bắt buộc phải mua của dự án nào. Vì vậy các nhà kiến trúc, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa ra những thiết kế nhà ở xã hội vừa bảo đảm chất lượng vừa bảo đảm điều kiện sống cho con người phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong điều kiện có sự hỗ trợ của nhà nước. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ xây dựng sẽ kiểm soát việc các DN quy định giá bán nhà cũng như vấn đề chất lượng công trình nhà ở.
“Chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: Nhà ở của người dân phải được nhà nước, xã hội và mỗi hộ gia đình chăm lo. Nhà nước đang cố gắng lo nhà ở cho người dân, toàn thể xã hội, các doanh nghiệp cần nỗ lực tham gia phát triển quỹ nhà, bản thân mỗi hộ gia đình thì phải cố gắng có công ăn việc làm, có thu nhập, có dành dụm, tiết kiệm để tự lo vấn đề nhà ở cho mình. Có như thế chương trình nhà ở xã hội mới đi vào cuộc sống” Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: