Đó là tuyến đường từ Khu đô thị Ecopark đi đường 179 huyện Gia Lâm dài 3,2km và tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng dài 2,4km. Cả 2 tuyến đường này được đầu tư theo hình thức hợp đồng đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).
Khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên) sẽ có các tuyến đường được đầu tư theo hình thức BT chạy qua nối vào Trung tâm Hà Nội.
|
Thêm hai dự án BT được duyệt chỉ giới
UBND Thành phố Hà Nội vừa đồng loạt ký 02 Quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ các tuyến đường từ Khu đô thị Ecopark đi đến đường 179 và tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng, tỷ lệ 1/500 thuộc huyện Gia Lâm.
Theo đó, Tuyến đường từ Khu đô thị Ecopark đi đến đường 179 dài 3,2km thuộc địa bàn xã Đa Tốn và xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Có điểm đầu (điểm 1) tại vị trí giáp ranh giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (Khu đô thị Ecopark), điểm cuối (điểm 21) giao với đường 179 tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.
Về mặt cắt ngang, từ điểm 1 (giáp ranh Khu đô thị Ecopark) đến điểm 3A (khu vực dự kiến bố trí cầu vượt trực thông vượt qua tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) được thiết kế có bề rộng mặt cắt ngang điển hình 30m, gồm: lòng đường xe chạy gồm 2 làn mỗi làn 7m, vỉa hè 2 bên mỗi bên 8m.
Từ điểm 3A đến điểm 3B nằm trong khu vực dự kiến bố trí nút giao khác mức, dự kiến bố trí cầu vượt trực thông quy mô đảm bảo 04 làn xe chạy.
Từ điểm 3 (đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đến điểm 4 (giao với tuyến đường Kiêu Kỵ) thiết kế quy mô mặt cắt ngang điển hình rộng 116m, gồm: thành phần xe chạy chính rộng 31m và cầu vượt trực thông vượt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bề rộng cầu vượt bố trí đủ 04 làn xe cơ giới (B=20m); cộng với 02 tuyến đường gom dọc hai bên cầu vượt và nhu cầu tham gia giao thông tại khu vực.
Từ điểm 4 đến điểm 21 (điểm cuối tuyến) được nâng cấp, mở rộng trên cơ sở tuyến đường Kiêu Kỵ hiện có. Quy mô mặt cắt ngang B=30m gồm: lòng đường rộng 14m, mỗi làn 7m, vỉa hè hai bên mỗi bên rộng 8m.
Dọc tuyến đường từ Khu đô thị Ecopark đi đường 179 dự kiến xây dựng các cầu, nút giao thông khác mức, cụ thể: Cầu bắc qua sông Cầu Bây; Nút giao khác mức với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (bố trí cầu vượt trực thông qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quy mô bề rộng cầu đảm bảo 04 làn xe chạy).
Trong khi đó, tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng dự kiến dài khoảng 2,4km thuộc địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Có điểm đầu tuyến đường (điểm 1) tại vị trí giao với tuyến đường chân đê sông Hồng. Điểm cuối (điểm 12) giao với tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại vị trí hầm chui hiện có qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang điển hình B=30m, gồm: lòng đường 2 làn xe mỗi làn rộng 7m; vỉa hè 2 bên mỗi bên 8m.
Dọc trên tuyến đường xây dựng các cầu, nút giao thông khác mức bố trí cầu bắc qua sông Cầu Bây và nút giao khác mức với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Vì sao vẫn là BT?
Được biết, đây là 2/3 tuyến giao thông Hà Nội dự kiến xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, bởi đầu năm 2018 UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề xuất dự án xây dựng 03 tuyến đường theo hình thức hợp đồng đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo đó, ngoài đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng, đường từ khu đô thị Ecopark đi đường 179 nêu trên, còn có tuyến đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải, Gia Lâm dài 5,7km.
Tổng vốn đầu tư đề xuất là 3.433 tỷ đồng. Để có được 03 tuyến đường trên Hà Nội dự kiến quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là 74,6ha tại dự án Khu đô thị Trung tâm xã Đa Tốn, vị trí xã Đông Dư, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Trước đấy, chiều 26/6, Hà Nội tổ chức cung cấp thông tin báo chí về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 5 dự án đầu tư theo hình thức BT được UBND Hà Nội giao cho 5 nhà đầu tư thực hiện tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển" vừa qua là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, được UBND TP Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Theo Sở này do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng, trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: