Ruộng đồng "ngắc ngoải" không chỉ là tình trạng riêng trên địa bàn Từ Liêm… |
Hơn 100ha đất nông nghiệp bị hoang hóa ở Từ Liêm là một trong những ví dụ cho thấy không phải "bao nhiêu tấc vàng" mà là "bao nhiêu hécta vàng" đang bị bỏ phí không thương tiếc.
Khu đô thị "sinh", ruộng đồng "ngắc ngoải"
Suốt từ vụ xuân đến giờ, hộ bà Nguyễn Thị Hồng (xã Đại Mỗ, Từ Liêm) chả trồng trọt được gì trên ruộng nhà ở cánh đồng Dộc La (thôn Tháp), giáp với khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông), đành phải bỏ hoang bởi ngập úng.
Chung tình cảnh như bà Hồng, hàng loạt hộ khác như các ông Nguyễn Hữu Trọng, Nguyễn Hữu Lâm, Đỗ Văn Phượng… cũng đành buông xuôi, nhìn "bao nhiêu tấc vàng" chìm trong nước. Bà con mất trắng vụ xuân.
Không phải đến giờ Đại Mỗ mới tràn lan đất ruộng bỏ hoang. Vài năm trước, những "tấc vàng", "hécta vàng" mặc cho cỏ mọc đã lỗ chỗ nhưng từ đầu năm 2011, diện tích này loang rộng. "Thủ phạm" nhanh chóng được nhận diện là hàng loạt dự án xây dựng khu đô thị mới trên và giáp ranh địa bàn.
Khu đô thị mới được "sinh" thì ruộng đồng "ngắc ngoải". Ông Nguyễn Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ thống kê nhanh: - Đến thời điểm này, có khoảng 100ha ruộng trên địa bàn xã đang bị bỏ hoang. Riêng cánh đồng Dộc La đã có khoảng 190 hộ dân bị ảnh hưởng. Hộ ít một sào, hộ nhiều vài ba sào. Xã chưa có khảo sát cụ thể nhưng thiệt hại là rất lớn.
Dự án khu đô thị mới Dương Nội được triển khai tuy không nằm trên địa bàn xã Đại Mỗ, nhưng trong quá trình thi công, "bên xây dựng" đã chặn mất dòng chảy. Cánh đồng Dộc La bị ngập úng. Ông Giảng giải thích: - Tại thời điểm khu đô thị Dương Nội mới thi công, bà con còn gieo mạ hoặc trồng rau màu. Mặt bằng khu đô thị Dương Nội cao hơn phía cánh đồng của Đại Mỗ tới 1,5m, nước tràn về không tiêu thoát đi đâu được, dềnh lên. Ruộng chìm trong nước chỗ ít cũng đến nửa mét. Dân cấy sao được.
Ông Công Phương Kình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Từ Liêm, người trực tiếp "điều tra" tình hình, khẳng định: - Từ nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ chúng tôi phải xử lý úng ngập. Dự án khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường đã chặn dòng chảy. Mặc dù đến giờ, hồ điều hòa khu vực khu đô thị đã có nhưng tiếc thay giải pháp tiêu thoát nước đã không được tính đến trong quá trình thi công.
"Khai tử" không được, "tái sinh" không xong
Cách đây chưa lâu, dự án đường Láng - Hòa Lạc, nay là đại lộ Thăng Long, được thi công cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trồng trọt tại cánh đồng Môi (xã Tây Mỗ). Bên gây thiệt hại đã phải đền bù cho nông dân. Dù vậy, việc đền bù giờ vẫn chưa triệt để do có quá nhiều… "bên" gây thiệt hại. Những hộ dân có ruộng bị dự án xây dựng "bức tử" tại Đại Mỗ vẫn đang… chờ. Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ Nguyễn Minh Giảng cho hay: - Để đòi quyền lợi cho 190 hộ khu vực cánh đồng Dộc La, đến giờ, xã, huyện đã có bốn buổi làm việc với Tập đoàn Nam Cường. Trong buổi họp ngày 13-6 vừa rồi, phía Nam Cường đã chịu nhận lỗi về phía mình, đề nghị địa phương làm thống kê số hộ, diện tích bị thiệt hại để có cơ sở bồi thường, đồng thời cam kết không để sự việc tái diễn.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở thủ tục, quy trình hay số tiền bồi thường. Không riêng gì xã Đại Mỗ. Tính đến thời điểm này, cộng chung các xã Tây Mỗ, Xuân Phương… diện tích ruộng đất bị bỏ hoang vì rất nhiều lý do khác nhau chứ không hẳn chỉ bị các dự án xây dựng "thít cổ" trên địa bàn huyện Từ Liêm là rất lớn mà Đại Mỗ chỉ là một điển hình. Ông Kình bức xúc: - Khó khăn lớn hiện giờ là tình trạng dự án xôi đỗ trên các địa phương tạo ra nhiều khu vực đất sản xuất xen kẹt. Sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn do tưới tiêu không thuận. Không chỉ người dân mà ngay cán bộ thủy lợi cũng lúng túng. Đầu tư hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất đòi hỏi nhiều vốn mà ai biết khi nào dự án lại "khoanh" nốt.
Tức là không dễ gì "kéo" người nông dân trở lại với đồng ruộng, dù chính quyền địa phương có khuyến khích họ tiếp tục sản xuất. Chẳng mấy ai mặn mà canh tác với mảnh ruộng mà "số phận" bấp bênh. Trong khi đó, để chuyển đổi cây trồng lại phải lập dự án, xin phê duyệt… Thế là đẻ ra tình trạng nhiều nơi ruộng "sống dở, chết dở".
Làm sống lại đất ruộng hoang giờ đây rõ ràng không chỉ trông chờ vào việc bắt các chủ đầu tư dự án khớp nối hạ tầng tưới, tiêu nước hay khôi phục hệ thống mương máng đã bị phá vỡ hoặc san lấp…
Lãng phí tất yếu?
Ruộng phải bỏ hoang, thậm chí mất hẳn một vụ lúa như người dân thôn Tháp, song không vì thế mà người dân bức xúc. - Dự án đến, người dân cũng được hưởng lợi. Đây là vùng tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Từ trước, lác đác đã có hộ dân bỏ ruộng hoặc thuê người làm. Vừa rồi, có thông tin cánh đồng Song được lấy làm dự án, người dân đã bỏ trồng cấy. Giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là chỉ chuyên lúa, giờ quá thấp, chẳng ai mặn mà trừ những hộ quá nghèo. Họ chạy chợ, nôm na là làm "dịch vụ", loáng cái đã có dăm ba chục nghìn trong ngày thì vất vả cả vụ làm gì. Rồi còn sâu bọ dịch bệnh… - Ông Nguyễn Việt Chiến, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Đại Mỗ phân trần.
Thế là ngoài những lý do khách quan như đồng ruộng sống dở chết dở bởi dự án, thiên tai dịch bệnh, như một quy luật tất yếu, trong quá trình đô thị hóa này, chả người dân nào còn muốn "làm nông". Chúng tôi hỏi đùa ông Chiến: - Ruộng đất “ngắc ngoải” thế này thì bao giờ HTX (nông nghiệp) phải giải thể? Rất lạc quan, ông Chiến bảo: - Không còn thế nào được. Tôi biết ở Hà Nội, có nơi chỉ còn cái ao là vẫn còn HTX.
Vì sao hơn 100ha đất nông nghiệp ở Từ Liêm hoang hóa? Câu trả lời xem ra đã tương đối rõ ràng. Trên thực tế, tình trạng lãng phí đất nông nghiệp có thể tránh khỏi khi cơ quan quản lý vẫn "chịu" từ bỏ quán tính "chấm" quy hoạch kiểu xôi đỗ và bỏ lỏng cho các chủ đầu tư muốn làm gì thì làm.
Rồi đây, liệu tình trạng hoang hóa trên cánh đồng Dộc La và lỗ chỗ nơi khác trên địa bàn xã Đại Mỗ nói riêng, huyện Từ Liêm nói chung, có thay đổi khả quan hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: