Động thái hạ lãi suất của ngân hàng trong thời gian vừa qua có lẽ chưa có tác động nhiều đến thị trường bất động sản (BĐS) khi các nhà đầu tư, đầu cơ chỉ “nằm chờ” nghe ngóng, tại các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội chỉ loáng thoáng người hỏi thăm thông tin, hiếm có giao dịch thành công.
Nhà đầu tư vẫn chỉ nằm chờ, nghe ngóng
Rất nhiều ngân hàng lớn, nhỏ đã đồng loạt giảm lãi suất xuống 1% sau khi có chỉ đạo của của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin này tưởng rằng sẽ khiến các nhà đầu tư nghĩ đến chuyện rút tiền tiết kiệm để chuyển sang kênh đầu tư BĐS. Thế nhưng, trước mức giá cả vẫn được cho là cao chót vót dù đã “hạ nhiệt” của địa ốc Hà Nội hiện nay nên hầu như các nhà đầu tư vẫn chỉ “nằm chờ” nghe ngóng.
Anh Huy Tuấn, một nhà đầu tư cho biết, mặc dù cũng có một khoản tiền trên 3 tỷ đồng gửi tiết kiệm nhưng anh vẫn chưa có ý nghĩ sẽ rút ra để đầu tư vào BĐS thêm nữa dù rằng anh biết hiện đang có khá nhiều dự án bình dân ở Hà Nội đang chào bán.
“Nếu đầu tư địa ốc bây giờ thì cũng sẽ đọng vốn ở đó rất lâu vì việc bán hàng bây giờ khá khó khăn, người có nhu cầu thực thì kỹ tính, cẩn thận còn dân đầu cơ giờ cũng ít. Do đó, tôi cứ để tiền tiết kiệm, được thêm đồng nào hay đồng đó mà đỡ phải đau đầu”, anh Tuấn cho hay.
Hạ lãi suất chưa có tác động nhiều đến thị trường BĐS. Ảnh: Lê Thảo
Theo khảo sát của PV ở các văn phòng nhà đất khu vực Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Định, Trung Hòa – Nhân Chính… thì sau những ngày hạ lãi suất, lượng khách hàng đi tham khảo thị trường và hỏi mua dự án cũng không nhiều.
Quản lý một sàn BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài cho biết, trên thực tế những người có nhu cầu mua nhà để ở, thậm chí cả những dân đầu tư, đầu cơ vẫn có tâm lý chờ đợi bởi họ lo ngại việc mua thời điểm này sẽ bị hố, cho rằng giá BĐS sẽ còn phải giảm nữa.
Tuy nhiên, theo nhận định của vị này, việc giá đất tiếp tục lao dốc là điều rất khó xảy ra bởi nếu tính giá đất mới cộng với trượt giá nguyên vật liệu, nhân công khó có dự án nào có thể giải phóng nhanh và bán với mức giá thấp hơn mức giá hiện tại được.
Khó có sóng mạnh
Theo các chuyên gia trong ngành, lãi suất huy động giảm xuống 1% thực ra chẳng có tác dụng bao nhiêu đối với hoạt động đầu tư và đầu cơ. Động thái này không mạnh đến nỗi có thể khiến những người có tiền gửi tiết kiệm có thể rút ngay tiền ra để đầu tư vào BĐS.
Có thể thấy, thị trường BĐS phía Bắc khác hẳn phía Nam lúc này, nhìn chung mặt bằng giá đất nền và căn hộ ở Hà Nội vẫn ở mức cao chót vót. Nhiều thông tin cho rằng, những cơn lao dốc từ tháng 5.2011 đến nay đã khiến giá BĐS đã giảm đến 50%, thậm chí có dự án còn giảm cao hơn mức đó, thế nhưng bình quân giá mới chỉ giảm khoảng 20% so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3.2011.
Trước thực tế hiện nay, một số nhận định cho rằng, dù lãi suất có tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, có thể giảm khoảng 2% chẳng hạn thì thị trường cũng khó có thể có các đợt sóng mạnh, khó đẩy được lượng cầu bởi tâm lý của những người có nhu cầu thực luôn ngóng sự giảm giá thêm khi lượng tồn đọng nhà đất ở Hà Nội vẫn còn nhiều, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp.
Còn phía các nhà đầu tư thứ cấp thì lại đang mong mỏi và hy vọng rằng, lộ trình hạ lãi suất sẽ giúp họ có thể đẩy được lượng hàng đang bị “kẹt” bấy lâu nay. Họ cho rằng, sau mỗi động thái của các chính sách thì thị trường cũng cần có độ trễ, cần có thời gian mới mong có biến chuyển.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: