Top

Hà Đông (Hà Nội): Biến tướng “phá nát” quy hoạch tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Cập nhật 05/07/2018 15:09

 – Được phê duyệt quy hoạch là Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc với những khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công vừa và nhỏ kết hợp với các hộ thu gom bán, giới thiệu sản phẩm; là điểm lưu giữ khai thác và phát triển làng nghề truyền thống, làng văn hóa, du lịch. Tuy nhiên sau 5 lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay khu vực Điểm tiểu thủ công nghiệp này đã “biến” hoàn toàn thành khu nhà ở, dân cư sinh sống đông đúc.

Không hề có nhà xưởng hay khu bầy bán sản phẩm dệt lụa mà thay vào đó là hàng loạt các khu nhà liền kề tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Tìm hiểu được biết, năm 2008 UBND thành phố Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) đã có Quyết định số 2810/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, tính chất của Đồ án đây là khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công vừa và nhỏ kết hợp với các hộ thu gom bán, giới thiệu sản phẩm, phát triển bền vững trong những thập kỷ tới. Là điểm lưu giữ khai thác và phát triển làng nghề truyền thống, làng văn hóa, du lịch; đối tượng phục vụ chủ yếu là nhân dân trong làng Vạn Phúc có nhu cầu làm nghề truyền thống.

Điểm làng nghề này nằm trong tổng thể quy hoạch chung thành phố Hà Đông, do đó các chỉ tiêu kỹ thuật phải tuân thủ những quy định của quy hoạch điều chỉnh của thành phố theo Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 21/10/2006 của UBND tỉnh Hà Tây.

Sau đó Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc liên tục bị điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và thêm các chỉ tiêu khác tại các Quyết định như: Quyết định số 6778/QĐ-UBND ngày 24/82010, số 16594/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 và Quyết định số 4942/QĐ- UBND ngày 5/8/2013 về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Như vậy, trái với phê duyệt ban đầu, đến Quyết định phê duyệt lần thứ 4 và văn bản điều chỉnh lần thứ 5, khu Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã được thay đổi, tăng thêm các chỉ tiêu khác và đưa chỉ tiêu căn hộ vào quyết định điều chỉnh, theo đó các căn hộ được phép xây dựng với quy mô từ 1 đến 3 tầng+hầm.

Đối với các hộ dân ở đây cũng được UBND quận Hà Đông ký hợp đồng cho thuê đất theo đơn giá tại quyết định 5291/QĐ-UBND ngày 4/9/2012 của UBND quận Hà Đông với thời gian thuê đất là 30 năm. Trong các quyết định cho thuê đất của UBND quận Hà Đông đã thể hiện rõ về việc cho thuê đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay tại khu vực này không hề có nhà xưởng sản xuất, cũng như điểm kinh doanh buôn bán các sản phẩm dệt lụa, mà thay vào đó là san sát những công trình nhà ở liền kề cao từ 3 đến 4 tầng.

Nhiều công trình đã được xây dựng với quy mô trên 3 tầng tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Ngoài ra, tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đang xuất hiện tình trạng mua bán đất thuê lại của Nhà nước một cách rầm rộ. Trao đổi với phóng viên, một người dân sống tại khu vực cho biết: “Hiện tại ở đây vẫn là đất thuê để kinh doanh, nhưng được cấp phép xây nhà nên muốn mua đất này chỉ cần giao dịch với các hộ gia đình đang sở hữu. Đối với những nhà có mặt tiền 4m và rộng 60m trở lên được cho làm tầng hầm. Mai kia sẽ được chuyển đổi sang đất ở, phí chuyển đổi khoảng hơn 10 triệu/m2. Khu vực gần nhà tôi, người ta rao bán 45 triệu/m2, có những chỗ đẹp hơn gần mặt đường còn lên tới 48 – 50 triệu/m2. Tôi về đây từ năm 2014, lúc bấy giờ họ cho xây 1,5 tầng, nhưng bây giờ được phép xây 3 tầng rồi, không có sổ đỏ, họ về đây ở rất đông”.

Một số công trình khác có được chuyển đổi làm quán cafe.

Ông Đào Xuân Hợp - Cán bộ quản lý đô thị phường Vạn Phúc cho biết: Đây là khu vực đất được người dân thuê lại với thời hạn 30 năm, UBND phường đã phân chia các khu đất thành từng nhóm rồi phân công cho Trưởng nhóm (đại diện một Chủ đầu tư thuê đất trong khu vực đó) phụ trách.Thời điểm này, nghề Dệt lụa không phát triển nên nhà xưởng dựng lên không hiệu quả, vì thế các hộ dân chuyển đổi mục đích kinh doanh khác. Khu vực này đã có quy hoạch 1/500 gồm 3 tầng, 1 tầng hầm.

Liên quan đến việc nhiều công trình được xây dựng cao từ 3 - 4 tầng, ông Hợp cho rằng: Phần mái phía trên để phục vụ mục đích chống nóng được xây dựng bằng vật liệu nhẹ cao dưới 2.5m nên không thể coi là tầng. Những phần như giàn hoa phía mái nhà, về quy định Chủ đầu tư không được làm, nhưng trong quá trình khai thác đã được 2 - 3 năm đi vào sử dụng, Chủ đầu tư đã tự ý xây dựng thêm.

Một khu nhà ở điển hình tại Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Về thông tin đang có dấu hiệu của việc mua bán đất tại đây. Ông Đào Xuân Hợp cho biết: Vấn đề mua bán đất do các hộ dân tự thực hiện, không qua chính quyền địa phương nên UBND phường cũng không nắm được. Khi nhận được thông tin này, UBND phường đã triệu tập các Trưởng nhóm để phổ biến, tuyên truyền, nếu có xảy ra hiện tượng mua bán thì có nguy cơ mất trắng đất, UBND phường sẽ không chịu trách nhiệm. UBND phường giữ quan điểm đất này không phải để ở, về mặt hành chính người dân không được đăng ký hộ khẩu thường trú, những hộ dân được phân đất không có nhu cầu sử dụng, họ có quyền cho thuê, mượn lại nhưng họ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Về tình hình trật tự đô thị tại khu vực này, ông Đào Xuân Hợp cho biết: UBND phường liên tục đôn đốc trông công tác trật tự đô thị tại địa bàn, nhưng tại khu vực này có 2 đơn vị quản lý, ngoài Tổ Thanh tra Xây dựng thì còn có Ban quản lý dự án.

Liên quan đến những “biến tướng” trong việc xây dựng Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của UBND quận Hà Đông, cũng như hàng loạt vi phạm trong trật tự xây dựng tại khu vực này. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

DiaOcOnline.vn theo Baoxaydung.com.vn