Top

Góp vốn xây chung cư mini: Chi phí thấp, rủi ro cao

Cập nhật 20/08/2012 13:30

Cùng nhau góp tiền mua đất, xây dựng thành chung cư mini đang là xu hướng tự phát nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở gay gắt, nhưng theo các chuyên gia, phương án này tuy giảm thiểu được chi phí song chứa không ít rủi ro, nếu người tham gia không nắm vững luật.

Giá rẻ bất ngờ


Lên Hà Nội tự lập, năm nay 35 tuổi, đã lập gia đình và có một cô con gái nhưng Phan Định (nhân viên ngân hàng) vẫn chưa mua được nhà riêng. Anh Định cho biết, với số tiền 700 triệu đồng, anh chỉ có thể mua đất ở khu vực cách xa trung tâm Hà Nội 20km, trong khi gia đình anh muốn ở nội đô để tiện học hành, làm việc. Trong một lần họp lớp đại học, Định phát hiện nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ với mình. Một ý tưởng mới nảy sinh. Họ bàn bạc với nhau để cùng mua đất, dựng lên một căn nhà chung và chia phòng cho từng hộ gia đình. “Một dạng như chung cư mini, nhưng từng thành viên sở hữu đều tham gia từ khâu đầu tiên để giảm chi phí”, anh Định lý giải. Hiện nhóm của Định đã chọn được mảnh đất 100m2 tại khu vực Dịch Vọng (Cầu Giấy), đã lên phương án xây sáu tầng nhà ở, một tầng lửng, mỗi tầng hai căn. Sau khi tính toán mọi chi phí, dự kiến, mỗi căn hộ rộng 45m2 có giá 600 triệu đồng. “So với giá thị trường hiện nay, mỗi căn hộ mà chúng tôi tự xây rẻ hơn chung cư mini từ 200 - 300 triệu đồng, lại được ở khu vực trung tâm, làm việc, học hành đều thuận lợi”, anh Định hồ hởi.

Lựa chọn đất xây dựng ở khu vực cầu Mai Lĩnh (Hà Đông) cách trung tâm Hà Nội hơn 20km nên chi phí của nhóm của anh Lưu Văn Đức, kỹ sư xây dựng còn thấp hơn. Với phương châm: hạn chế tối đa số lượng gia đình để tránh… mâu thuẫn, nhóm Đức đã quyết định xây dựng năm tầng với một tầng để xe và bốn tầng ở. “Chúng tôi mua 43m2 đất với giá 25 triệu đồng m2, tính ra, tiền đất là một tỷ đồng. Tiền xây dựng nhà khoảng năm triệu đồng/m2 sàn. Tổng số tiền đầu tư là 2,2 tỷ đồng, chia ra, mỗi hộ mất khoảng 550 triệu đồng”, anh Đức tiết lộ.

Xu hướng góp tiền mua đất xây nhà không chỉ có ở những nhóm bạn thân mà còn đang nở rộ trên các diễn đàn. Trên diễn đàn Lamchame, một thành viên quảng cáo về việc triển khai dự án chung cư mini ở đường Vương Thừa Vũ (Hà Nội). Theo đó, dự án này gồm 11 căn, còn thừa năm căn chưa có người đăng ký tham gia. Năm căn hộ này được ấn định giá 660 triệu đồng/một căn 40 - 45m2 giao thô, tăng giảm theo vị trí tầng hoặc 730 triệu đối với hoàn thiện trọn gói.


Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thực tế, với mỗi căn hộ chung cư mini tự xây, người tham gia tiết kiệm được từ 200 - 300 triệu đồng so với giá thị trường và chủ động tham gia thiết kế tòa nhà, đảm bảo tiện ích theo ý muốn. Tuy nhiên, việc quản lý tiền vốn góp, giám sát xây dựng và sử dụng tòa nhà sau khi hoàn thiện lại phát sinh không ít khó khăn. Theo anh Đức, các thành viên tham gia xây dựng nhà đều là anh chị em họ và bạn thân nên mới yên tâm bỏ vốn để góp. “Nhiều người bạn mình cũng muốn triển khai nhưng sợ người cầm trịch có thể “ôm tiền” trốn luôn, mất cả chì lẫn chài”.

Theo luật sư Chu Vân - Công ty Luật ASEM, với hình thức chung tiền xây nhà này, các thành viên tham gia phải thỏa thuận với nhau thật chặt chẽ để tránh rủi ro. Luật sư Vân phân tích: “Theo luật hiện hành, các hộ được đăng ký cấp giấy sử dụng đất là quyền sở hữu chung và đăng ký hộ khẩu chung. Giấy tờ quyền sử dụng đất phải được công chứng đầy đủ. Trong quá trình sử dụng, để tránh phát sinh tranh chấp về mặt tài sản, chuyển nhượng, sử dụng phần không gian chung… nhất thiết phải lập văn bản thỏa thuận ngay từ đầu. Các hộ nên nhờ luật sư tư vấn, soạn thảo văn bản để đảm bảo tính chất pháp lý dựa trên tinh thần các bên tham gia cùng bàn bạc và thống nhất”.

Rủi ro cao nhất trong hình thức đầu tư nhà ở này là khâu quản lý tiền vốn góp. “Toàn bộ số tiền góp được nên lập thành tài khoản ngân hàng, có chữ ký của tất cả các hộ gia đình tham gia, tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng tâm lý “khát nhà” để lừa đảo”, bà Vân nói.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây là cách làm hay, giải quyết được nhu cầu nhà cấp bách cho nhiều hộ dân có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Không phải cứ góp vốn là xây được”. Thủ tục để xây chung cư mini vốn phức tạp hơn so với xây nhà ở thông thường. “Trước khi tham gia, các bên phải tìm hiểu Nghị định 71 và điều 70 Luật Nhà đất, xem vị trí đó có được phép xây dựng hay không? Xây dựng bao nhiêu tầng? Có đảm bảo mật độ dân cư hay không? Nếu tìm hiểu không kỹ, bỏ vốn ra mua đất rồi không xây được nhà, sẽ bị thiệt hại”, ông Hùng nói.

Tâm lý chung của những người góp vốn xây chung cư là làm sao tiết kiệm càng nhiều chi phí càng tốt nên những quy định chung đối với chung cư mini như hệ thống thoát nước, cứu hỏa hay thang máy thường bị… bỏ ngỏ. Vì thế, rất khó xử lý khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng, các hộ gia đình cũng phải có cơ chế, chính sách như nhà chung cư trong việc sử dụng hay vệ sinh các hạng mục công trình chung.

DiaOcOnline.vn - Theo Phụ Nữ Online