Top

Đằng sau những lời rao phá giá, cực rẻ…

Cập nhật 20/08/2012 10:40

Xuất hiện hàng loạt những lời rao bán căn hộ giá thấp, phá giá, cực rẻ của những dự án từng gây ồn ào trước đây. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác với những lời chào mời hấp dẫn này bởi nghi ngại rủi ro kèm theo…

Rao bán giảm sốc, phá giá


Rao bán trên một trang web BĐS, chủ nhân căn hộ số 1912, Toà nhà HHB, chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội) gây sốc với thông tin “Chung cư Tân Tây Đô bán phá giá thị trường - 13,5 triệu đồng/m2”.

Theo chủ nhân căn hộ này, mức giá do chủ đầu tư đưa ra vào thời điểm cuối năm 2011 là 15,5 triệu đồng/m2, khi mua người này còn phải trả “chênh” 2 triệu đồng là 17,5 triệu đồng/m2, nhưng nay do cần tiền gấp, chấp nhận bán với giá 13,5 triệu đồng/m2, chịu lỗ lớn. Người bán cũng kèm theo địa chỉ nhà riêng và số điện thoại cho tiện liên hệ. Trên website này, có người còn rao bán căn C1, tầng 20, Toà nhà CT2B chung cư Tân Tây Đô với mức 13 triệu đồng/m2. Mức giá này bằng với giá một số dự án nhà thu nhập thấp hiện nay mà không cần xét duyệt thủ tục rườm rà.

Chung cư Tân Tây Đô (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát) là một trong những dự án đầu tiên tại khu vực Hà Nội tấn công vào phân khúc căn hộ giá rẻ, với mức 15,5 triệu đồng/m2. Vào thời điểm cuối năm 2011, Dự án đã được khá nhiều khách hàng kỳ vọng về một chốn “an cư lạc nghiệp” và có thể sinh lời trong tương lai, khi Quốc lộ 32 mới thông tuyến.

Căn hộ Tân Tây Đô được rao bán với giá bằng với giá nhà thu nhập thấp

Một dự án nhà ở giá rẻ khác cũng nhanh chóng bị giới đầu tư “cắt lỗ” là Khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty cổ phần Xây dựng tư nhân số I Lai Châu làm chủ đầu tư. Vào thời điểm tháng 6/2012, khi dự án mới chào bán căn hộ có diện tích từ 35 m2 đến 50 m2, với mức giá 14 triệu đồng/m2, khách hàng sở hữu căn hộ chung cư tại đây còn phải bỏ ra vài chục đến trăm triệu đồng tiền chênh lệch cho người môi giới và chủ nhà mua trước đó.

Nhưng vài tuần gần đây, một số nhà đầu tư sau khi gom hàng mà không tạo được “sóng”, nên đã nhanh chóng “cắt lỗ” từ 5 đến 10% giá trị căn hộ tại dự án này.

Chủ đầu tư tung hàng rẻ để “câu” vốn?

Điểm chung của những dự án rao bán phá giá này là đây là những dự án chỉ mới vừa khởi công, có dự án chỉ mới thực hiện tới phần móng và tiến độ trải dài trong nhiều năm.

Để “bắt bài” thị trường, nhiều nhà đầu tư kỹ tính cho rằng đây là giai đoạn thể hiện rõ nhất tương lai gần của thị trường. Theo nhận định này, xảy ra hai kịch bản. Thư nhất những căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ được bán hết, thì chứng tỏ mức giá căn hộ ở Hà Nội sẽ khó giảm thêm. Thứ hai, dự án vẫn được mở bán mới với những khuyến mãi kèm theo, thì điều này cho thấy, giá căn hộ sẽ còn tiếp tục giảm.

Bởi vậy nên, tâm lý chần chừ dò đáy thị trường nên trước khi quyết ở một dự án, giới đầu tư cân nhắc nâng lên đặt xuông nhiều lần

Tuy nhiên, một chuyên gia trong Tổng hội Xây dựng cho rằng, phong trào bán phá giá thực ra chỉ diễn ra ở những nhà đầu tư thứ cấp, chủ yếu tập trung một vài dự án gây ồn ào trong thời gian qua. “Những dự án ban đầu có thể do đầu tư thứ cấp tạo sóng nhưng qua thời gian ngắn không hiệu quả nên rút lui”, vị này cho hay.

Trong khi đó, cũng theo nguồn trên những người có nhu cầu thật sự hoàn toàn ở vào thế bị động “tù mù thông tin”. Nói rõ điều này hơn, theo chuyên gia này với cơ chế thông tin không minh bạch như hiện nay không ai có thể giám sát nổi số tiền khách hàng góp vốn đang ở đâu. “Có thể, họ (chủ đầu tư) sẽ đem tiền của dự án mới được cấp phép huy động vốn rồi xoay số tiền đó sang cứu các dự án khác đang chết, rụng dần hoặc để trả nợ ngân hàng. Điều này ai mà biết được”, vị chuyên gia này nói.

Như Dân trí từng dẫn lại ý kiến của LS Trương Chí Công để tạo niềm tin cho khách hàng mua nhà thì để ngân hàng “cầm trịch” số tiền khách hàng góp vốn. Với cơ chế này, khách hàng đóng tiền và trao cho ngân hàng quản lý nguồn tiền này, tiến độ tới đâu ngân hàng rót tiền tới đó.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí