Những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản dễ dàng tham gia xây dựng nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi, trong khi các DN nhỏ đang phải chật vật với những điều kiện còn nhiều khắt khe.
Dễ với “ông lớn”
Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2013, trên địa bàn Hà Nội đã có 3 dự án xây dựng nhà ở xã hội được khởi công. Trong đó, 2/3 chủ đầu tư các dự án trên là những DN mạnh trong lĩnh vực phát triển bất động sản là HUD và Viglacera.
Còn nhớ, vào giữa tháng 5/2013, tại cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với lãnh đạo TP. Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án nhà ở xã hội, ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch Hội đồng thành viên HUD cho biết, hiện HUD đang triển khai và đề xuất nghiên cứu 8 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội. Khó khăn nhất hiện nay là các Dự án Tây Nam An Khánh mở rộng khu 3; Dự án KĐTM Tây Nam Linh Đàm và dự án tại phường Giang Biên, quận Long Biên. Cả 3 dự án này đều đang vướng mắc ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư của TP. Hà Nội.
Tại cuộc họp trên, HUD đã đề xuất Thành phố, Sở Xây dựng… tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng kiến nghị, vì mục tiêu chung của xã hội là làm nhà ở cho người nghèo, các sở, ban ngành của Hà Nội cần rút ngắn quy trình, thủ tục, đề xuất với Thành phố tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN triển khai dự án nhà ở xã hội.
“HUD phải nhanh chóng khởi công Dự án trong quý II này, vì khởi công, làm xong móng là dân vào mua bán, sẽ thúc đẩy thị trường sôi động lên, sớm đáp ứng cho người dân có nhu cầu về nhà ở”, ông Nam chỉ đạo.
Những DN lớn luôn có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận gói hỗ trợ
|
Với sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các cơ quan thuộc TP. Hà Nội, đến ngày 28/5/2013, HUD phối hợp với CTCP BIC Việt Nam đã tổ chức lễ động thổ xây dựng khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm. Chủ đầu tư cho biết, Dự án thuộc quỹ đất 20% của TP. Hà Nội có diện tích 2,2 héc-ta, sẽ cung cấp 1.037 căn hộ. Tổng kinh phí xây dựng là 710 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Tương tự, ngày 21/5/2013, Bộ Xây dựng có Văn bản số 925/BXD-QLN gửi UBND TP. Hà Nội thì đến ngày 28/5/2013, UBND Thành phố đã có Văn bản số 3799/UBND-QHXDGT đồng ý và đến ngày 5/6/2013, tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, Viglacera đã tổ chức Lễ khởi công dự án nhà ở xã hội.
Dự án được triển khai trên 5 lô đất với tổng diện tích 6,2 héc-ta, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, với các loại căn hộ từ 33 - 44 - 55 m2. Dự kiến, căn hộ đầu tiên dành cho các đối tượng xã hội sẽ được bàn giao trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Sau khi hoàn thành vào quý II/2015, Dự án sẽ đóng góp vào quỹ nhà ở xã hội TP. Hà Nội 160.000 m2 sàn xây dựng, 2.500 căn hộ và giải quyết chỗ ở cho 6.000 cư dân.
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy, khi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quyết tâm vào cuộc thì những vướng mắc của DN, dù khó đến đâu, cũng sẽ được nhanh chóng tháo gỡ. Và khi dự án đã “đầu xuôi” thì đến lượt các khách hàng đăng ký mua nhà cũng sẽ… “đuôi lọt” khi xin vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Nghèo đi đôi với… khó
Trong khi các “ông lớn” dễ dàng tiếp cận và triển khai dự án xây nhà xã hội như vậy thì ngược lại, các DN nhỏ rất khó khăn khi xin chuyển đổi dự án từ xây nhà thương mại sang nhà ở xã hội và người dân thì khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi 6%.
Cụ thể, ngay sau khi Chính phủ ban hành
Nghị quyết 02, trong đó cho phép các dự án nhà ở thương mại nhưng không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, TP. Hà Nội đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho 3 dự án được chuyển đổi, đồng thời tiếp tục xem xét hồ sơ của 12 dự án khác. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới có duy nhất 1 dự án được phép chuyển đổi. Đó là dự án tại 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội, do CTCP phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư.
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2013. Tuy nhiên, là người trực tiếp nhận hồ sơ xin chuyển đổi tại Sở Xây dựng Hà Nội, ông Đạm cho biết, qua tiếp nhận và xem xét hồ sơ bước đầu cho thấy, các dự án trên còn thiếu nhiều hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi. Theo ông Đạm, tuy Thông tư 02 không yêu cầu phải phê duyệt lại quy hoạch 1/500 nếu dự án xin chuyển đổi không làm tăng diện tích xây dựng, nhưng vẫn yêu cầu phải “bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội”. Theo đó, việc tăng số lượng căn hộ sẽ làm tăng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy; hay như các hạ tầng xã hội khác gồm dịch vụ y tế, nhà trẻ… cũng phải được điều chỉnh theo tiêu chuẩn này.
Đặc biệt, riêng đối với các dự án đã huy động vốn của khách hàng trước đây thì Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với khách hàng, nếu khách hàng đồng ý bằng văn bản thì Tổ công tác mới xem xét tiếp. Tuy nhiên, theo ông Đạm, việc thỏa thuận này là rất khó trong bối cảnh thị trường khó khăn và chủ đầu tư - khách hàng nhiều khi đã có mâu thuẫn với nhau.
Trong khi những dự án xin chuyển đổi gặp nhiều khó khăn thì người mua nhà xã hội cũng chưa thể tiếp cận với nguồn vốn 30.000 tỷ đồng. Mặc dù đã có quy định cụ thể gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ dành 9.000 tỷ đồng cho DN vay, còn 21.000 tỷ đồng phải dành để cho người mua nhà, nhưng xem ra chỉ vài dự án đã có thể hấp thụ hết phần dành cho DN, trong khi đó theo ghi nhận tại các ngân hàng thì sau 3 ngày triển khai Thông tư 11, vẫn chưa có người dân nào được vay mua nhà xã hội.
Lãnh đạo một DN có sản phẩm đáp ứng được tiêu chí diện tích dưới 70 m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa biết được những tiêu chí cụ thể về vay tiền gói hỗ trợ để hướng dẫn cho khách hàng của mình.
“Nhiều khách hàng đã liên hệ để hỏi về dự án và thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ, nhưng DN cũng không biết giải đáp các vấn đề này ra sao”, vị giám đốc này nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với những dự án nhà ở xã hội mới được triển khai thì phải sau từ 2 - 3 năm nữa mới có sản phẩm hoàn thiện đến được tay người dân. Trong khi đó, với lượng hàng tồn kho rất lớn và đang tăng lên hàng ngày thì các giải pháp trên chưa thể vươn tới được. Và đó mới là vấn đề nổi cộm trên thị trường bất động sản hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: