Top

Gỡ vướng mắc cho cấp “sổ đỏ”

Cập nhật 19/11/2012 09:03

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân (gọi tắt là sổ đỏ). Nhờ đó, toàn TP đã hoàn thành cấp được khoảng 95% số hộ đủ điều kiện.

Tuy nhiên, 5% số trường hợp còn lại (tương ứng khoảng 112.000 hộ) đang gặp vướng mắc với nhiều lý do khác nhau. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và bảo đảm quyền lợi cho người dân, UBND TP Hà Nội đang tập trung tháo gỡ cho các trường hợp này.

Nhìn đâu cũng thấy vướng

Nhằm hoàn thành mục tiêu cấp sổ đỏ cho nhân dân Thủ đô vào năm 2013, thời gian qua UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện rút ngắn thời gian, rút gọn quy trình thụ lý hồ sơ theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, công tác này đã có bước chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện toàn TP đã cấp được 1.057.645 sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 95% số thửa đủ điều kiện. Tuy nhiên, trên địa bàn TP còn khoảng 112.000 trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm Luật Đất đai còn tồn đọng, có tính chất phức tạp.
 

Hà Nội đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Ảnh: Khánh Nguyên


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, qua phân loại có hơn 17.000 trường hợp lấn chiếm; gần 9.400 trường hợp chuyển mục đích sử dụng sai quy định; hơn 6.600 trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện; hơn 16.000 trường hợp nằm trong quy hoạch; hơn 23.500 trường hợp cấp đất trái thẩm quyền và 39.000 trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng… Dù rất muốn sớm cấp cho dân, nhưng đây đều là các trường hợp rất khó, vượt quá thẩm quyền của TP.

Theo ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, trên địa bàn huyện cũng đang tồn tại nhiều trường hợp. Điển hình là tại các dự án khu đô thị mới, một số đơn vị chủ đầu tư tự ý phân lô để xây dựng nhà ở trái quy hoạch chi tiết 1/500 và nợ nghĩa vụ tài chính. Theo quy định, người mua nhà, đất nếu nằm ở dạng này không thể cấp sổ đỏ. Đây không hoàn toàn là lỗi của người mua nhà. Do đó, huyện kiến nghị có phương án xử lý vi phạm của chủ đầu tư và xem xét cấp sổ đỏ cho dân. Đồng quan điểm này, đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận có nhiều dự án khu đô thị mới, chung cư cao tầng, nhưng quá trình xây dựng chủ đầu tư tự ý phân lô, xây thêm tầng sai quy hoạch… Nếu bắt người mua nhà phải gánh lỗi của chủ đầu tư sẽ càng gây khó khăn cho dân. Ngoài ra, việc cấp sổ đỏ tại các khu đất được các cơ quan, đơn vị giao cho CBCNV làm nhà ở, các khu nhà tự quản cũng còn nhiều khó khăn do phần lớn các cơ quan đó đã giải thể, sáp nhập, không xác định được đơn vị giao đất.

Tháo gỡ theo hướng nào?

Để tháo gỡ vướng mắc cho dân và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, Hà Nội vừa báo cáo Bộ TN&MT chủ trương trong việc cấp sổ đỏ với 112.000 trường hợp đang tồn tại. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, với các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trước Luật Đất đai năm 2003 nhưng không đủ điều kiện cấp sổ đỏ do không phù hợp quy hoạch chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt, đề nghị đưa ra khỏi danh mục các trường hợp chưa được xét cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, cho phép hộ gia đình, cá nhân sử dụng tạm thời cho đến khi Nhà nước thu hồi. Với trường hợp sử dụng đất ở vượt hạn mức, nếu chủ sử dụng đất chưa xác định rõ đâu là đất ở, đâu là đất vườn thì cấp sổ đỏ, trong đó ghi rõ có bao nhiêu mét vuông là đất ở, đất vườn và chú thích thêm nội dung chưa xác định ranh giới đất ở. Khi chủ sử dụng đất xây dựng công trình hoặc chuyển nhượng, chia tách… phải làm thủ tục xác định, điều chỉnh sổ đỏ. Khi Nhà nước thu hồi một phần thì tính theo hiện trạng hoặc tỷ lệ. Trường hợp chủ sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở thì làm thủ tục chuyển đồng thời với việc cấp sổ đỏ.

Với các trường hợp sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt nhưng nguồn gốc sử dụng không phải do lấn chiếm (trước thời điểm công bố quy hoạch cho phép cấp sổ đỏ) và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, nhưng phải ghi hạn chế sử dụng (không được xây mới, không được chuyển nhượng, chia tách, cho, hoặc thế chấp). Với căn hộ tại các chung cư mi ni, đề nghị thống nhất chủ trương cấp giấy chứng nhận, nhưng tòa nhà chung cư phải bảo đảm yêu cầu về xây dựng đúng giấy phép xây dựng, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, cứu thương cũng như quản lý, vận hành. Hà Nội cũng đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép ghi nợ tiền lệ phí trước bạ với các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 và không phải nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới