Giới đầu tư địa ốc Hà Nội đang thấp thỏm với bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa công bố. Song nhiều chuyên gia nhận định, quy hoạch Thủ đô vẫn chưa thể làm thị trường bất động sản “ấm” lên.
Nói về thị trường bất động sản Hà Nội, sau khi quy hoạch Thủ đô được công bố, các chuyên gia cùng chung nhận định, trục Tây Hồ Tây, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Đình và khu vực lân cận Đông Anh, Xuân Đỉnh sẽ luôn giữ ổn định giá bán, thậm chí sẽ tăng giá nhanh khi quy hoạch Thủ đô chính thức được khởi động.
Bài học xương máu
Theo các chuyên gia, quy hoạch thủ đô có vai trò quan trọng trong việc định hướng rõ ràng về khu vực trung tâm hành chính, văn hóa…, đồng thời tạo tâm lý yên tâm và chắc chắn cho các nhà đầu tư nhà đầu tư “đổ tiền” vào khu vực có khả năng sinh lời nhanh và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, trái ngược với hiệu ứng đầu tư theo tâm lý đám đông của các nhà đầu tư dẫn tới “sốt đất ảo” ở Ba Vì, Sóc Sơn trước đây, khiến nhiều nhà đầu tư “nếm” trái đắng, thì nay ngay cả khi Thủ tướng phê duyệt và công bố quy hoạch Thủ đô, nhà đầu tư vẫn làm ngơ, không “tung tiền” vào nhà đất vì họ cho rằng vẫn chưa phải là thời điểm an toàn.
“Quy hoạch Thủ đô chỉ giải quyết được cơ sở pháp lý vững vàng, đồng thời tháo gỡ được hơn 200 dự án nằm trong khu vực vành đai Hà Tây cũ, “cởi” được nút thắt thị trường bất động sản và làm cho tâm lý nhà đầu tư yên tâm hơn, cũng như tạo chiến lược cụ thể cho DN phát triển phù hợp”, ông Ngô Hoàng Nguyên, Chủ tịch HĐQT Coninco Housing, phân tích.
Địa ốc sẽ còn ảm đạm nếu không "xả" vốn. Ảnh: V.Trường.
|
Thời điểm này, theo khảo sát, tại nhiều sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội vẫn là cảnh “chợ chiều”, không có khách hàng hỏi thăm, còn nhân viên môi giới không có việc làm, chỉ “ngồi chơi xơi nước” chờ thời. Ông Nguyễn Tiến Lâm, nhà đầu tư bất động sản Hà Nội, ngán ngẩm: “Không nên đầu tư vào các phân khúc địa ốc thời điểm này, ngoại trừ đất nền vị trí đẹp trong nội thành, vì phân khúc này vẫn có tính thanh khoản nhanh hơn các phân khúc khác”. Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp địa ốc có vốn ít đóng cửa, thậm chí phá sản, cá biệt nhiều doanh nghiệp trường vốn có uy tín trên thị trường cũng đang gặp khó khăn vì không bán được hàng vào thời điểm khó khăn như hiện nay.
Chờ thời!
Tiến sĩ Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Maxland, cho rằng: “Quy hoạch Thủ đô sẽ chưa ảnh hưởng nhiều tới thị trường trong thời điểm này mà chỉ có vốn, tín dụng, giảm lạm phát mới là những yếu tố “cứu cánh” tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản”. Theo ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS hàng không Thăng Long: “Quy hoạch Thủ đô chỉ giúp “thanh nhiệt” thị trường, giúp các nhà đầu tư đi đúng hướng chứ không theo tin đồn. Để chữa đúng căn bệnh hẩm hiu của thị trường BĐS hiện nay quan trọng là thay đổi về tài chính, tín dụng”.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phân phối DTJ, ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ, nguồn tiền trong dân còn rất nhiều, nhưng trong bối cảnh thị trường trầm lắng, cộng với kinh tế khó khăn đã tạo ra tâm lý giữ tiền, thậm chí chuyển hướng đầu tư sang vàng, ngoại tệ hoặc gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn. “Trong khi các ngân hàng lượng dự trữ tiền gửi rất nhiều, song lượng tiền cho vay lại hạn chế do lãi suất cho vay bất động sản quá cao, nên nhiều người có tiền đang đợi tín hiệu tích cực từ chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước để “khơi thông” thị trường bất động sản”, ông Khánh nói.
Để giải cứu thị trường bất động sản khỏi cảnh “chợ chiều”, tiến sĩ Diễn kiến nghị, phải nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất và cần có cơ chế kìm hãm sự phát triển của phân khúc bất động sản phục vụ lợi ích số ít người, mà ưu tiên phát triển các phân khúc phục vụ cho đa số người dân như nhà ở thu nhập thấp, chung cư…
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: