Các sáng kiến dựa vào tự nhiên để điều hòa nhiệt độ và đối phó với tình trạng thiếu nước diễn ra trên khắp thế giới.
Các sáng kiến này bắt nguồn từ nhu cầu xây dựng các công trình ít tổn hại đến môi trường ở Bắc Mỹ, các hệ thống nước thải bền vững cho các thành phố ở châu Âu, các thiết kế chú trọng tiết kiệm và trữ nước mưa ở Úc và New Zealand.
Mặt tiền tòa nhà được thiết kế với không gian xanh lá phù hợp với màu nước sông trước mặt và thiên nhiên xung quanh ở Pháp - Ảnh: AFP
|
Hành lang thông gió làm mát thành phố
Thành phố miền nam Đức Stuttgart là nơi khí hậu nắng nóng và bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Do điều kiện khi hậu đặc thù, trước khi biến đổi khí hậu trở thành vấn đề toàn cầu, trong quy hoạch và xây dựng, chính quyền thành phố Stuttgart đã chú trọng việc cải thiện chất lượng không khí.
Về quy hoạch, chính quyền đảm bảo duy trì các hành lang thông gió xanh để không khí trong lành tràn xuống thành phố từ những ngọn đồi xung quanh.
Họ đưa ra các quy định về xây dựng nhằm đảm bảo các hành lang thông gió không bị xâm phạm hoặc bị ảnh hướng bởi những công trình mới.
Hiện nay, 600.000 dân của Stuttgart được sống trong môi trường có 60% diện tích được phủ xanh để hấp thụ các chất gây ô nhiễm và làm mát thành phố.
Thành phố bọt biển
Đây là chủ trương lớn được thí điểm tại Trung Quốc năm 2015. Theo đó, các thành phố lớn lập kế hoạch xây dựng các hệ thống thu gom, trữ, lắng và lọc sạch nước mưa để cung cấp cho tầng nước ngầm, tưới cây, xả nhà vệ sinh và lau chùi nhà cửa... thay vì để nước mưa trôi vô ích vào các hệ thống thoát nước và cống xả.
Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải là những thành phố đã nhận được ngân sách và triển khai chiến lược hấp thu như miếng bọt biển này. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030, đến 80% các vùng đô thị sẽ trở thành các "thành phố bọt biển".
Các tòa nhà và các mảng tường sẽ được phủ xanh, đảm bảo xây dựng các hồ chứa và điều tiết nước mưa. Thượng Hải thông báo đã xây dựng hơn 400.000 m2 vườn trên mái các tòa nhà trong năm 2016.
Tòa tháp xanh Nam Ninh - Ảnh: Stefano Boeri
|
Nước được tiết kiệm có tác dụng làm mát do bê tông và nhựa đường trong các thành phố lớn vốn thường hấp thu rồi tỏa nhiệt khiến không khí trong thành phố luôn nóng bức.
Cây xanh được tưới nước đầy đủ và quá trình bốc hơi nước qua lá tiếp tục góp phần vào việc điều hòa không khí.
Thành phố rừng
Khởi đầu với công trình phủ xanh hai tháp căn hộ tại Milan (Ý) với 800 cây cao, 4.500 cây tầm thấp và 15.000 cây bụi, giờ đây tác giả của nó - kiến trúc sư Stefano Boeri đang tất bật thực hiện các hợp đồng ở Nam Ninh, Thượng Hải, Thẩm Quyến và nhiều nơi khác trên thế giới.
Ứng dụng tự nhiên xây dựng thành phố thích nghi với biến đổi khí hậu - Ảnh REUTERS
|
Tại miền nam Trung Quốc, một thiết kế của Boeri nhằm biến Liễu Châu thành thành phố rừng đang được triển khai. Theo kế hoạch, thành phố sẽ trở thành một đô thị xanh cho 30.000 người sinh sống và tất cả các tòa nhà sẽ được bao phủ cây xanh.
Boeri cho biết: khoảng 40.000 cây cao và gần một triệu cây bụi thuộc hơn 100 loài sẽ được trồng trên các tòa nhà để cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ và góp phần bảo đảm đa dạng sinh học.
Cây xanh sẽ giúp hấp thụ gần 10.000 tấn khí CO2 - lượng phát thải tương đương của 2.000 xe chở khách chạy trong một năm và 57 tấn chất gây ô nhiễm mỗi năm. Ngoài ra, chúng cũng sản xuất khoảng 900 tấn oxy mỗi năm.
Thiết kế thành phố rừng của Liễu Châu.
|
Ông Boeri cũng đang làm việc với các nhà thực vật học và chuyên gia để tạo ra một hỗn hợp chất trồng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhưng nhẹ để giảm tải cho các tòa nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: