Top

Nhận diện điểm nghẽn cấp giấy chủ quyền

Cập nhật 27/09/2017 08:57

Mặc dù thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít tồn tại cần sớm được khắc phục.

Nhà đất trên tuyến dọc quốc lộ 50 - đoạn khu Nam xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - sẽ được xem xét cấp giấy chủ quyền cho người dân

Trong lĩnh vực quản lý đô thị, TPHCM đặt chỉ tiêu cuối năm 2017 sẽ hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà (giấy chủ quyền) cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong công tác này, cần sự chung tay giải quyết mới có thể tiệm cận được chỉ tiêu.

Chậm do địa phương “thận trọng”!

Đó là ta thán của một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) với UBND huyện Bình Chánh trong cuộc họp gần đây liên quan đến việc cấp giấy chủ quyền. Chúng tôi đã khảo sát thực tế tại khu vực phía Nam xã Bình Hưng - một trong những nơi được đưa vào bản kiến nghị của địa phương này.

Quốc lộ 50 đoạn giáp ranh với xã Phong Phú, xe cộ thường xuyên ken cứng, còn nhà cửa hai bên đường khá xập xệ. Chị Chân (ngụ tại địa chỉ B6/21A, tổ 130, ấp 3, quốc lộ 50) than vãn khi nói đến giấy tờ chủ quyền của căn nhà: “Hồi giờ nghe nói bị quy hoạch nên nhà đất chỉ mua bán bằng giấy tay thôi. Nhà mẹ tôi ở mặt tiền đường hơn 40 năm qua, cũng giấy tay. Nói quy hoạch nhưng có làm gì đâu”. Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 2012, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Nam TP, diện tích 2.975ha với 20 phân khu chức năng; đến tháng 9-2013, UBND TP mới phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Cho tới nay, khu vực này chưa có quyết định thu hồi đất, đồng thời không tiến hành cấp giấy chủ quyền. Một cán bộ của Sở TN-MT nói: “Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn, nhà, đất có tình trạng pháp lý như trên sẽ được xem xét cấp giấy chủ quyền cho người dân”. Thế nhưng, hồi tháng 2 năm nay, huyện Bình Chánh gửi văn bản hỏi và Sở TN-MT đã trả lời; nay huyện lại tiếp tục hỏi nên sở đang soạn văn bản phúc đáp!

Một loại chậm khác cũng xuất phát từ sự “thận trọng quá mức” của chính quyền quận - huyện. Tại buổi giám sát vừa qua của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về việc cấp giấy chủ quyền tại một số địa phương, một vấn đề cứ lặp đi lặp lại là “chờ hướng dẫn” đối với trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay từ ngày 1-7-2004 đến ngày 1-7-2014. Trong khi theo hướng dẫn của pháp luật về đất đai thì vẫn tiến hành giải quyết cho người dân nếu đầy đủ hồ sơ, căn cứ vào nguồn gốc sử dụng, quy hoạch; chỉ những trường hợp đặc biệt, có vướng mắc mới phải chờ hướng dẫn cụ thể. Theo báo cáo mới nhất của Sở TN-MT, thống kê từ 17/24 quận - huyện cho thấy việc chuyển nhượng bằng giấy tay trong giai đoạn này có 14.963 trường hợp!

Một điểm nghẽn khác là chậm triển khai xử lý triệt để quy hoạch treo. Chúng tôi đã từng nhiều lần đề cập đến việc cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân ấp 4 và ấp 6 của xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Năm 1979, UBND TP cấp “Giấy phép sử dụng đất” cho Sư đoàn Phòng không 367. Thế nhưng, đơn vị được cấp đất thì không thực hiện việc gì, còn nhà cửa của người dân thì lại “sinh sôi nảy nở”, hiện đã có trên 100 hộ dân định cư! Đến năm 2015, UBND TP ra quyết định thu hồi lại khu đất trên, chính thức giải tỏa quy hoạch treo. Nhưng từ đó đến nay, việc cấp giấy chủ quyền vẫn còn “lòng vòng”, người dân tiếp tục chờ với hành trình đã lên đến… 38 năm.

“Ca khó” bó tay?

“Đối với các chủ đầu tư có sai phạm về quy hoạch, xây dựng hay chưa hoàn thiện hạ tầng, hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính thì việc này là quan hệ giữa chủ đầu tư và cơ quan nhà nước. Người dân không có lỗi nên vẫn có hướng giải quyết là xem xét cấp giấy cho dân, sau đó Nhà nước và chủ đầu tư giải quyết với nhau. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ đầu tư thế chấp ngân hàng bằng sổ đỏ của dự án đã bán cho dân thì bó tay. Nếu quận cấp giấy cho dân thì ngân hàng cũng có thể kiện chính quyền bất cứ lúc nào”, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, trình bày với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về “nỗi khổ” của địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận. Chẳng hạn, trên địa bàn quận 9 có đại dự án Đông Tăng Long “phân lô bán nền” với diện tích gần 160ha, triển khai từ năm 2004, đến nay vẫn chưa cấp giấy chủ quyền cho người mua.

Đối với nhà chung cư, việc cấp giấy chủ quyền trở nên nan giải hơn trong các trường hợp giấy chủ quyền đã bị chủ đầu tư “cắm” ngân hàng. Cách đây chưa lâu, thông qua việc tiếp nhận phản ánh tranh chấp, khiếu nại, Sở Xây dựng TPHCM thống kê có 20 trường hợp chủ đầu tư chung cư chậm thực hiện cấp giấy chủ quyền cho người mua căn hộ. Điểm qua danh sách, có chung cư đã bố trí người dân cư ngụ hàng chục năm trời, nhưng không biết đến khi nào thì có giấy chủ quyền. Quận Tân Phú “nổi” lên vì có đến 13 chung cư chưa cấp giấy chủ quyền, gây bức xúc cho cư dân; có dự án rơi vào tình trạng “hết thuốc chữa” vì vừa thế chấp ngân hàng, vừa đối mặt với nhiều vụ việc đã có bản án phán xử của tòa…

Thực tế cho thấy, pháp luật đã quy định khá chi tiết để tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chủ quyền nhà đất, các quận - huyện có trách nhiệm thực hiện theo luật. Chỉ với các trường hợp khó khăn, đặc thù thì lúc đó mới cần có giải pháp riêng biệt thuộc thẩm quyền cấp cao hơn xử lý. Do vậy, nếu cứ đổ lỗi do luật hướng dẫn không rõ ràng mà chậm trễ cấp giấy chủ quyền thì khó khăn cho công tác quản lý nhà nước sẽ kéo dài, cũng như bức xúc của người dân trong việc cấp giấy chủ quyền nhà đất vẫn không thể “hạ nhiệt”.

“Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã “cắm” sổ đỏ trong ngân hàng, TPHCM cùng các bộ, Ngân hàng Nhà nước đã tìm giải pháp tháo gỡ, như cho thế chấp bằng tài sản khác để giải chấp và tiến hành cấp chủ quyền căn hộ cho người dân. Nhưng thực tế có trường hợp rất nan giải, như chủ đầu tư không có tài sản nào khác để thay thế cho căn hộ đang thế chấp trong ngân hàng”, một lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP