Top

Giãn dân phố cổ Hà Nội: Mừng-lo trước cuộc “đại di dời”

Cập nhật 26/05/2014 14:22

Không ai khác, người dân phố cổ Hà Nội là đối tượng chính thụ hưởng lợi ích của cuộc “đại di dời.”

Phố cổ Hà Nội người đông, khách du lịch nhiều, chỉ cần chỗ ngồi nho nhỏ ở vỉa hè có thể kiếm tiền dễ hơn rất nhiều so với nơi khác. (Nguồn: Vietnam+)

Thay vì phải sống trong những căn nhà chật chội, tối tăm, xuống cấp, sang nơi ở mới tại Khu đô thị Việt Hưng, họ có điều kiện sống tốt hơn, hạ tầng cơ sở đồng bộ, môi trường không khí trong lành.

Dù vậy, bên cạnh những người mong muốn được di chuyển, nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn khi dời khỏi nơi ở cũ đến với cuộc sống mới.

Níu kéo bởi sự mưu sinh

Đó là lý do chính khiến nhiều người không muốn dời khỏi phố cổ Hà Nội cho dù điều kiện sống ở phố cổ có thể coi là khổ cực đối với không ít người. Vì hàng ngày, bước chân ra đường họ có thể kiếm sống bằng quán nước chè, tủ bán bánh, khay đồ lưu niệm, gánh hàng ăn, đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Khu phố cổ này người đông, khách du lịch nhiều, chỉ cần chỗ ngồi nho nhỏ ở vỉa hè có thể kiếm tiền dễ hơn rất nhiều so với nơi khác. Đó là chưa kể những nhà mặt phố có thể kinh doanh lớn hoặc cho thuê, dễ dàng có một cuộc sống sung túc.

Hơn nữa, phố cổ là một khu vực kinh doanh thương mại sôi động nhất Hà Nội, tiện lợi trong mua bán, sinh hoạt hàng ngày, đi lại của người dân. Trong khi đó, sang nơi ở mới, dù tiện nghi hơn nhưng họ băn khoăn với nguồn thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Quế, 65 tuổi, sống tại số nhà 47 Hàng Bạc cho biết, ngôi nhà gia đình bà đang sống được đánh giá cổ nhất Hà Nội, trên 100 năm và đang được Nhà nước quy hoạch bảo tồn.

Với diện tích trên 200m2, số nhà này có tới 6 gia đình sinh sống với khoảng 50 nhân khẩu. Riêng gia đình bà Quế sống trong 18m2 và một gác xép nhưng là nơi ở của 8 người thuộc ba thế hệ.

Với kế hoạch di dân để bảo tồn nhà cổ, bà Nguyễn Thị Quế cùng các gia đình trong số nhà này đều nhất trí cao, để không phải chịu cảnh mỗi lần mưa gió phải nơm nớp nỗi lo tường sập, xà gãy, nước dột khắp nơi.

Bà cho rằng: “Người dân phố cổ ai cũng muốn có nhà ở tốt hơn nhưng ở phố cổ kiếm sống dễ dàng, sang nơi ở mới chưa biết lấy gì sinh sống nên nhiều người còn băn khoăn.”

Đối với số nhà 47 Hàng Bạc, do Nhà nước lấy làm bảo tồn nhà cổ nên bà mong muốn có sự đền bù thỏa đáng để người dân có điều kiện di chuyển sang nơi ở mới.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Tân Dược, cũng tại số nhà trên cho rằng: "Tôi biết nhiều gia đình cũng muốn chuyển sang khu Việt Hưng nhưng còn băn khoăn vì chưa biết kiếm sống ra sao, điều kiện hạ tầng thế nào. Chính vì vậy, Nhà nước phải lưu ý tạo điều kiện về cuộc sống sau này cho nhân dân, tạo sự tin tưởng cho mọi người thì họ mới chuyển sang. Còn bản thân ông, nếu không vì lợi ích chung, ông cũng không chuyển sang nơi ở mới vì khu vực cũ vẫn thuận lợi cho sinh hoạt gia đình."

Nỗi lo kinh phí di chuyển

Phố cổ Hà Nội là nơi kinh doanh sôi động với nhiều các tuyến phố chuyên doanh như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Bè, Hàng Bạc... đặc biệt khu vực chợ Đồng Xuân. Nhưng chỉ các gia đình sống ở mặt phố hoặc tận dụng vỉa hè để kinh doanh mới có khả năng kiếm lợi, còn đa phần các nhà đình trong ngõ đều tìm kế sinh nhai từ nhiều nghề khác nhau; trong đó, có bộ phận không nhỏ người dân sống bằng đồng lương hưu.

Vì vậy, nguồn tài chính đủ để sở hữu được căn hộ tại Khu đô thị mới Việt Hưng là điều không dễ dàng đối với nhiều người.

Chị Vũ Hồng, cán bộ Ban quản lý phố cổ Hà Nội, người đã nhiều năm gắn bó với bà con khu phố cổ nên rất hiểu cuộc sống người dân nơi đây. Chị cho biết, mặc dù căn hộ chung cư khu vực giãn dân tại Việt Hưng có nhiều ưu đãi nhưng rất nhiều người dân không đủ khả năng mua căn hộ mới.

Nguồn tiền chính người ta có thể trông vào là chuyển nhượng nhà đang ở cho người liền kề hoặc người trong khu vực phố cổ theo quy định của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đối với đối tượng giãn dân.

Nhưng thực tế, nhiều gia đình sống trong diện tích vài mét vuông, nếu việc chuyển nhượng thực hiện được cũng có thể không đủ tiền mua căn hộ mới. Đó là chưa kể đến việc chưa đạt được thỏa thuận trong mua bán diện tích đang ở.

Bà Nguyễn Thị Dựng, tổ phó tổ 37, khu dân cư 9, phường Hàng Buồm cũng cho rằng với những người có khả năng kinh doanh ở phố cổ có thể họ không muốn chuyển đi, còn với các gia đình đã về hưu, các gia đình trẻ sẽ tích cực hưởng ứng.

Bởi người về hưu sẽ có nguồn kinh phí Nhà nước chi trả hàng tháng, ở đâu cũng không ảnh hưởng tới thu nhập. Người trẻ muốn có một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và con cái.

Tuy vậy, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về tài chính, muốn di chuyển cũng khó vì không biết trông cậy vào đâu. Hiện một số căn nhà cổ được Nhà nước lấy để bảo tồn và đó cũng là cơ sở để các hộ dân sống tại đó tin tưởng sẽ có sự đền bù thỏa đáng để sang nơi ở mới.

Và như vậy, đây cũng là vấn đề dài hơi và phức tạp, cần nhiều thời gian, nhiều cơ chế chính sách và sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành để việc giãn dân đạt hiệu quả như mong muốn.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+