Không thể có một chính sách hoàn thiện ngay khi ban hành, làm vừa lòng mọi đối tượng tác động khi được triển khai ra cuộc sống. Đối với các quyết sách mang tính chất tình thế như gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản, điều này lại càng đúng.
Khi thị trường đóng băng thanh khoản, niềm tin của cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đang vùn vụt “về dưới mệnh giá”, thì không thể cứ mãi tính toán, bàn bạc, nghiên cứu rồi lăn tăn rằng nó chưa hoàn thiện nên chưa thể triển khai…
Dù còn vấn đề này, vấn đề khác, nhưng hầu hết ý kiến thành viên thị trường đều đồng ý rằng, cần thiết phải có một gói tín dụng với chi phí phải chăng để hỗ trợ người dân có nhu cầu thực tìm nhà ở, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện nốt các công trình dở dang.
Ý kiến có khác nhau chăng, đó chính là trong quá trình thực thi.
Các chuyên gia cho rằng, gói này trên thực tế lại kích cung với hàng loạt dự án mở ra để đón dòng vốn rẻ, trong khi thị trường chỉ cần kích cầu, còn cung đã ứ. Và kể cả kích cung cũng chưa ổn khi nhìn vào con số chỉ 1,6% số vốn được giải ngân sau hơn nửa năm triển khai và hàng dài DN bất động sản xếp hàng chờ vốn rẻ.
Với các nhà quản lý ngành ngân hàng và xây dựng, dẫu chưa đến mức đổ lỗi cho nhau, nhưng dường như hiệu lực phối hợp triển khai chính sách vẫn bị cản trở bởi “những dấu chấm” ngắt dòng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng từng khẳng định không muốn triển khai gói cứu trợ quá nhanh, bởi dễ dẫn tới nhầm đối tượng và “chưa tìm ra đủ nhà ở xã hội để cho vay”. Nhưng nếu nhìn vào số lượng lớn DN bất động sản được bộ này đề xuất cho vay và số lượng đếm trên đầu ngón tay danh sách được ngân hàng chấp thuận thì chắc không thể không sốt ruột. Cụ thể, tính đến ngày 15/11 vừa rồi, mới có 1.036 khách hàng cá nhân được vay với dư nợ 247,5 tỷ đồng. Khách hàng DN còn hẻo hơn, với vỏn vẹn 5 đơn vị được vay tổng cộng… 153,2 tỷ đồng!
Còn các ngân hàng, gói 30.000 tỷ, 3 tỷ hay 300 triệu đồng thì họ vẫn phải giữ chắc hầu bao của mình, vì chính sách cho họ quyền và trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay để bảo toàn vốn - khi nợ xấu bất động sản vẫn đang chất cao như núi.
Vậy là quả bóng lại được chuyền về các địa phương cùng các chủ đầu tư bất động sản khi một bên phải xác nhận nhân thân và tình trạng nhà cửa người mua nhà, một bên phải cam kết nhận trách nhiệm về khoản vay khi người mua nhà “có vấn đề”.
Nhưng các địa phương dường như cũng không muốn “nhận bóng”, có thể vì quá khó để ghi bàn hoặc cũng có thể do đường chuyền đã vặn sườn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã hơn một lần cho rằng, “các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt”.
Nhưng, như đã nói về quy trình chính sách. Điều tích cực là sau nửa năm “quăng quật” với thực tế, những điểm nghẽn của gói 30.000 tỷ đồng đã lộ rõ.
Có lẽ đó cũng là căn cứ để các bên lên tiếng. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hà Nội đã đề xuất giảm thêm lãi suất cho vay gói tín dụng này xuống còn khoảng 4 - 5%/năm, thay vì mức 6%/năm như hiện nay. Đồng thời, thời hạn cho vay nên kéo dài từ mức 10 - 15 năm lên 15 - 20 năm cho đúng với tiêu chí hỗ trợ tầng lớp trung lưu trở xuống có nhà, DN làm nhà bình dân… bán được nhà.
Về phía các ngân hàng, trả lời phỏng vấn Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc MHB - một trong năm ngân hàng được chỉ định cho vay gói này, cho biết, nếu tháo gỡ được 2 vướng mắc về nguồn cung nhà ở xã hội và quy định pháp lý liên quan đến thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì dòng vốn này sẽ được khơi thông rõ rệt trong năm 2014.
Câu chuyện về tiến độ gói 30.000 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ chốt lại khi yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương “gút lại” những khúc mắc khi triển khai để báo cáo Chính phủ phương án giải quyết. Thời hạn báo cáo được chốt lại trong tháng 3 tới đây...
Nghiên cứu thị trường, ban hành chính sách, triển khai chính sách ra thực tế và nhanh chóng sửa đổi khi phát hiện những bất hợp lý làm cản trở hiệu quả của chính sách. Đó là một quy trình hợp lý và khả thi với bất kỳ hoạt động điều hành nào, chứ không riêng gì gói 30.000 tỷ đồng.
Khi câu chuyện về những ách tắc không chỉ là của Bộ Xây dựng hay Ngân hàng Nhà nước, không chỉ với ngân hàng thương mại và các địa phương, mà cấp điều hành nền kinh tế cao nhất là Chính phủ đã “chốt” thời điểm tháo gỡ, thì các thành viên thị trường bất động sản lại có thêm lý do để hy vọng một sự “giải cứu thực chất” đến từ gói vốn này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: