Phát triển 250.000 căn hộ phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp là mục tiêu được Chính phủ đặt ra tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Song, tính đến cuối năm 2016, cả nước mới thực hiện được khoảng 28% mục tiêu này. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay liên quan đến phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là làm sao giảm được giá thành xây dựng, để số đông người lao động có thể tiếp cận.
Một góc khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Bá Hoạt.
|
Nhà ở xã hội vẫn là giấc mơ
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, việc phát triển NƠXH phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp hiện chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng cuối năm 2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án NƠXH. So với chỉ tiêu số lượng NƠXH tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là khoảng 250.000 căn hộ, thì hiện cả nước mới giải quyết được khoảng 28%.
Không chỉ thiếu về số lượng, giá NƠXH hiện vẫn ở mức 9-15 triệu đồng/m2, khá cao so với thu nhập và khả năng của công nhân, người có thu nhập thấp. Anh Nguyễn Kim Tuyến, một người ngoại tỉnh đã sống và làm việc nhiều năm tại Hà Nội cho rằng, mức giá 15 triệu đồng/m2 tại nhiều dự án NƠXH hiện nay cao ngang một số dự án nhà ở thương mại. Với thu nhập eo hẹp của người làm công ăn lương hiện nay, mức giá này quá đắt và người lao động khó có thể với tới. Anh Tuyến mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực để người nghèo, người thu nhập thấp sớm có được nơi an cư. Nếu giá NƠXH giảm xuống mức dưới 10 triệu đồng/m2, ước mơ có nhà ở sẽ đến gần hơn với người nghèo.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm giá NƠXH, Nhà nước sẽ phải chịu toàn bộ chi phí đất, còn các doanh nghiệp sẽ bỏ tiền xây dựng. Thế nhưng, không thể bắt doanh nghiệp xây dựng giảm giá NƠXH mà phải giúp những doanh nghiệp thực hiện khâu cung cấp vật liệu, thi công, thiết kế... liên kết lại với nhau để mỗi nơi giảm giá thành đi một phần.
Thực hiện tốt điều này thì sản phẩm NƠXH cuối cùng mới có giá thấp hơn hiện tại. Nếu mỗi căn hộ thuộc diện NƠXH có giá khoảng 400 triệu đồng, người nghèo mua nhà được trả dần trong vòng 20 năm, mỗi tháng tiền trả góp mua nhà chỉ khoảng 2 triệu đồng thì mơ ước sở hữu một căn nhà sẽ không còn quá xa vời. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm nhà cho công nhân thuê với mức giá phù hợp, qua đó san sẻ trách nhiệm với Nhà nước và hỗ trợ tích cực cho người lao động.
Giảm giá nhà bằng giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển NƠXH diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương phải coi việc phát triển nhà ở là đầu tư cho phát triển. Nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở, gây bức xúc về nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững được. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân. Thủ tướng cũng hoan nghênh một số doanh nghiệp đã đưa ra những sản phẩm nhà ở chất lượng tốt, dù là thương mại nhưng giá nhà chỉ vài trăm triệu đồng/căn hộ để người nghèo có cơ hội chọn được nơi an cư.
Biểu dương một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trong việc giải quyết nhà ở cho công nhân, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải chăm lo cho đời sống công nhân, chứ không thể chỉ quan tâm tới phát triển sản xuất. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp và phải có nhiều phương thức làm NƠXH, nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về NƠXH, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới nhằm giảm giá thành NƠXH.
Như vậy, quyết tâm phát triển NƠXH của Chính phủ và các địa phương đã rõ ràng. Song, việc phát triển NƠXH cần đi kèm với việc hỗ trợ tín dụng. Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vừa kết thúc năm 2016 được coi là thành công khi đã giúp cho nhiều người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, góp phần vực dậy thị trường bất động sản. Nếu không có sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, chi phí vốn đầu tư cao, thì các nhà đầu tư sẽ không mặn mà tham gia các dự án NƠXH, bởi họ cũng chỉ có khả năng tài chính nhất định. Vì vậy, thời gian tới rất cần sự tham gia, hưởng ứng của các bộ, ngành liên quan để chính sách phát triển NƠXH thực sự đi vào cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: