Top

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM bác thông tin “lãng phí nhà tái định cư”

Cập nhật 24/04/2016 07:23

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có lãng phí không khi trong số 12.500 căn nhà dùng cho tái định cư tại Thủ Thiêm thì hiện chỉ có 800 căn được lấp đầy, hay khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cũng đang còn nhiều căn trống, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM “bác” thông tin này.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: BizLIVE.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, vấn đề bố trí nhà ở tái định cư cho người dân cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh, không chỉ khía cạnh kinh tế mà còn khía cạnh nhân văn, không chỉ xem xét ở hiện tại mà còn phải xét đến tương lai và dựa trên lịch sử về việc di dời những hộ dân trong những khu vực phải giải tỏa.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã đầu tư rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng nhà ở, trong đó đòi hỏi nhà ở cho tái định cư.

Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có khoảng 36.000 hộ dân bị giải tỏa, nghĩa là 36.000 căn nhà cần cung cấp cho họ để họ tái định cư. Dựa trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Sở Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng những khu nhà ở mới để ổn định chỗ ở cho người dân.

Nhà nước đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để xây gần 2.000 căn hộ cho người dân tái định cư tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

Có những hộ dân tại đây thu nhập hằng ngày, tháng không đủ trả tiền nhà tái định cư. Ngược lại với những người có điều kiện thì đòi hỏi cao hơn và không mua nhà tái định cư. Thực tiễn cho thấy nơi ở của người dân không chỉ là căn họ mà còn là trường học, việc làm, đi lại…

Vấn đề nữa là không thể dồn ép tất cả dân tái định cư về Vĩnh Lộc B, mà chỉ những quận quanh đó: Bình Tân, quận 6, quận 8.

Còn khu nhà tái định cư tại Thủ Thiêm, quận 2 cũng vậy. Có lúc gần như cả TP.HCM nóng lên về quận 2. Nhưng sau đó, nhiều người dân bị giải tỏa lại không mua nhà tái định cư và tạm thời dư thừa.

Trong khi đó, cơ sở pháp lý để thực hiện nhà ở tái định cư thay đổi liên tục. Các nghị định tính bằng năm, tháng, có khi còn thay đổi nhanh hơn cả Thông tư, nhưng xây nhà ở tái định cư đâu thể một ngày là xong.

“Sự dư thừa tạm thời đó là cái giá phải chấp nhận. Chúng ta không thể tính toán với dân”, ông Tuấn nói.

Hiện nay, giải pháp của UBND TP.HCM và Sở Xây dựng đưa ra  là bán đấu giá hơn 1.000 căn nhà tái định cư, định giá đất theo giá trị trường và cấn trừ bằng căn hộ, cái nào giao cho nhà đầu tư, còn lại TP.HCM giữ lại làm nhà tái định cư dự phòng.


DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE