Có không ít dự án nhằm vực các vùng nông thôn ra khỏi đói nghèo đã “vẽ” ra quá nhiều viễn cảnh, còn thực tế thì người dân lại lâm vào nguy cơ bần hàn. Dự án “cho cơ chế” trị giá 3.000 tỷ đồng ở Tân Lập (Hà Tây) là một trong số đó.
Dự án “cho cơ chế”
Tháng 9/2006, Bộ trưởng Bộ NN & PT NT Cao Đức Phát ký duyệt Đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Tổng kinh phí thí điểm trên 20 vùng trong hai năm (2007, 2008) chỉ là 42 tỷ đồng.
Đang nóng lòng đợi nông thôn mới lên, thì gần đây, một vài nhà khoa học lại bàn đến dự án do Viện chiến lược phát triển (Bộ KH & ĐT) đưa ra cho nông dân các xã Tân Lập (Hà Tây), Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội)... mà khi đọc lên sẽ tăng huyết áp.
Đó là dự án “Đô thị hóa vùng nông thôn phía Tây Hà Nội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH)”. Dự án này đã được các nhà khoa học của Bộ KH & ĐT, Bộ NN & PT NT, Bộ Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và nhiều vụ, viện hết lời khen ngợi.
Trong dự án lớn dành cho nhiều xã này, Viện Chiến lược, UBND tỉnh Hà Tây đã tách việc xây dựng đô thị hóa, CNH, HĐH nông thôn ở Tân Lập ra thành dự án nhỏ hơn để làm thí điểm với vốn dự kiến 3.000 tỷ đồng (theo quyết định triển khai dự án của tỉnh Hà Tây - PV).
Nguyên bản Dự án do Viện Chiến lược lập với mục tiêu là giữ nguyên lũy tre xanh, làng xóm đang tồn tại còn gần như tất cả đất đai đều dành cho đô thị hóa.
Tại Tân Lập sẽ xây dựng 7 hạng mục công trình gồm: Các cụm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cho dân trong xã; Trung tâm giao dịch kinh tế quốc gia; Trung tâm tinh hoa làng nghề truyền thống Việt Nam; Khu công viên văn hóa đặc sắc; Khu trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu; Khu vui chơi giải trí, thể thao cho mọi lứa tuổi.
Các nhà khoa học thiết kế dự án cho rằng, Tân Lập sẽ trở thành điển hình về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông thôn... Các tác giả đã mơ đến quy mô kinh tế, CNH tầm cấp xã Tân Lập sẽ là hình mẫu cho toàn quốc.
Riêng với mô hình du lịch ở Tân Lập, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ đưa về đây “... các cơ sở sản xuất mang biểu tượng địa phương hoặc nghề thủ công. Tại vùng này có thể dành một khu đất để xây dựng những mẫu nhà điển hình cho các vùng của đất nước như nhà sàn của đồng bào Mường, Thái, nhà rông Tây Nguyên, nhà rường Huế, nhà cổ vùng đồng bằng sông Hồng...để khách quốc tế có điều kiện chiêm ngưỡng”.
Họ cũng cho rằng dự án chủ trương phát huy nội lực, nên dự kiến huy động vốn từ quỹ đất khoảng 1.000 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng (tổng vốn 4.000 tỷ đồng này nguyên bản dự án của Viện Chiến lược đưa ra - PV) khác huy động của các nhà đầu tư, của nhân dân trong xã.
Viện Chiến lược cho rằng, người dân ở Tân Lập đồng tình giao 50% đất nông nghiệp để các nhà đầu tư cùng địa phương đô thị hóa. Dự án chủ trương phát triển mạnh Tân Lập, từ đó “đẩy” các xã Tân Hội (Hà Tây), Thượng Cát, Tây Tựu (Hà Nội) thoát khỏi nghèo.
Dự án cũng chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa các loại cây nhưng đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ giảm 60 ha đất trồng cây; chuyển 32 ha đất lúa, màu sang chuyên dùng; chuyển hơn 10 ha đất lúa sang làm giao thông...Dự án cũng nêu sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống...
Các nhà khoa học cũng nêu chắc chắn rằng, các nhà đầu tư sẽ đến Tân Lập, tạo việc làm, còn nông dân mất đất sẽ làm thuê cho họ, học nghề, làm dịch vụ ăn uống, giải trí... “Cả xã sẽ giàu có, phát triển theo hướng văn minh đô thị”....
Năm 2003, Viện Chiến lược và UBND tỉnh Hà Tây đã điều chỉnh và phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng xã Tân Lập theo hướng đô thị hóa nông thôn” với tổng vốn 3.000 tỷ đồng.
Không đủ cơ sở khoa học!
Sau gần 5 năm “ấp ủ”, dự án đã được đưa ra soi chiếu, phản biện khoa học hơn. Và các nhà phản biện thực sự đã không khen ngợi dự án này như nhiều nhà khoa học đang giữ chức thứ trưởng, viện, vụ trưởng các bộ ... Khá nhiều viễn cảnh vẽ ra trong dự án có lẽ chỉ có trong mơ. Trí tưởng tượng của người lập dự án quá phong phú.
Ai đọc dự án cũng thấy hay, thấy lọt tai nhưng ngẫm kỹ thì chắc chắn thiếu cơ sở khoa học, lạc quan tếu. Hãy xem trí tưởng tượng của các nhà hoạch định dự án “thăng hoa” cỡ nào: “Mảnh đất này (xã Tân Lập - PV) rất đặc thù, không vuông nhưng cũng không tròn, thể hiện sự sống đa dạng của người phụ nữ. Tại đây có một con sông và một con kênh lớn như là “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (trang 265).
Trong phần đánh giá đề án năm 2003 của PGS - TS Ngô Doãn Vịnh - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH & ĐT) có đoạn viết: “Chủ dự án và tập thể cộng sự đã xuất phát từ nền tảng lý luận của sự phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa chuyển hóa các quá trình sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp với quá trình đô thị hóa... Có thể nói rằng, dự án là bài học tốt cho những ai hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch”.
PGS - TS Bùi Bá Bổng -Thứ trưởng Bộ NN & PT NT - Chủ tịch hội đồng phản biện dự án này cho rằng, các kết quả của đề tài có giá trị khoa học, xác định được nội dung đô thị hóa nông thôn, là cơ sở giúp cho các nhà hoạch định chính sách sau này.
GS - TS KH Lê Du Phong - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, hồi năm 2003 cũng cho rằng, dự án là một đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Dự án táo bạo song tính khả thi rất cao...
Vậy các chuyên gia khác nhìn nhận về dự án ra sao?
GS - TS Nguyễn Ngọc Kính - nguyên Vụ trưởng Vụ KH & ĐT Bộ NN & PT NT chỉ coi đây là dự án có ý tưởng tốt, song rất thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi cao. Ngay từ mục tiêu của dự án cũng đã có những nhầm lẫn về khoa học.
GS Kính nói: “Không thể đặt CNH, HĐH nông thôn ngang bằng đô thị hóa nông thôn. Thực chất đây chỉ là dự án đô thị hóa nông thôn, không nên cố gắn với việc phát triển nông thôn bền vững. Hơn thế nữa, dự án đô thị hóa một xã mà lại gắn nội dung tầm quốc gia thì liệu có hợp lý ?”
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu triển khai dự án này sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. GS Kính đề nghị Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nên phản biện dự án này khách quan để đi đến khuyến cáo: Hãy dừng triển khai quyết định thực hiện dự án của UBND tỉnh Hà Tây.
Trong dự án đưa ra mô hình nông nghiệp sau khi đô thị hóa Tân Lập là: tạo cánh đồng có thu nhập 30-100 triệu đồng/ha. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây chỉ là chiếc bánh vẽ, bởi phong trào xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm do Bộ NN & PT NT phát động từ lâu đã chỉ còn rất ít người nhắc đến, vì không tính đến hiệu quả kinh tế.
Còn về mục tiêu để người dân làm thuê cho các DN tại xã, làm dịch vụ ăn uống, giải trí..., thì có điều chắc chắn là sản phẩm dịch vụ của nông dân tạo ra không thể đủ hấp dẫn lôi kéo khách Hà Nội và cả nước đến tiêu dùng, lý do đơn giản Thủ đô là nơi tạo dịch vụ tốt hơn bất kỳ vùng nông thôn nào khác!
Còn việc các nhà viết dự án xây dựng ở Tân Lập: nhà sàn của đồng bào Mường, Thái, nhà rông (Tây Nguyên), nhà rường (Huế), nhà cổ vùng đồng bằng sông Hồng...; gom các nguyên tác làng nghề Đông Hồ, Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Đồng Sâm (Thái Bình)...về “Trung tâm tinh hoa làng nghề truyền thống Việt Nam”...; Xây bảo tàng phát triển khoa học, công nghệ, điện ảnh, sân khấu.., ai cũng biết hiện nay Dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được triển khai xây dựng với quy mô rất lớn tại Đồng Mô (Hà Tây).
Việc quy tụ, giới thiệu về kiến trúc, phong tục tập quán, đời sống văn hóa ...của 54 dân tộc anh em là mục tiêu của dự án này. Nếu giờ đây dự án ở Tân Lập lặp lại mục tiêu này, trong khi khoảng cách địa lý giữa hai dự án rất gần quả là một sự lãng phí lớn.
Thượng Cát là Sibêri của Hà Nội?
Càng đọc kỹ dự án mà nhiều nhà khoa học đáng kính của Bộ KH & ĐT, NN & PT NT, ĐH Kinh tế Quốc dân soạn thảo, phản biện càng thấy nhiều bất cập. Dù dự án đặt vấn đề:
“Cảnh quan thiên nhiên không được ưu đãi, mật độ dân số cao đã tàn phá nghiêm trọng môi trường tự nhiên” (trang 253), song chính họ lại đề nghị phát triển du lịch, văn hóa..., ở nơi ít lợi thế như vậy.
Hơn thế nữa, các GS - TS viết: “Không có mảnh đất nào chỉ cách trung tâm Hà Nội trên 10 km lại có hệ thống giao thông thuận tiện như vậy” (trang 251).
Còn trang 242 họ lại “tưởng tượng”: “Tân Lập là vùng sâu, vùng xa” của Hà Tây, còn Thượng Cát là “Sibêri” của Hà Nội”...
(Còn tiếp)
Theo Quyền Thành - Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: