Top

Phát triển hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội:

Giải pháp tương lai cho giao thông đô thị

Cập nhật 18/03/2013 08:36

"Đi lại là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân và việc tiếp cận với các nguồn lực là yếu tố có tính quyết định đến sự vận hành trong tương lai của bất cứ đô thị nào".

Ông André Peny, Trưởng phòng Nghiên cứu sáng tạo (Ban Phát triển bền vững, Cơ quan Quản lý giao thông công cộng Paris - RATP) đã chia sẻ như vậy bên lề hội thảo "Hạ tầng giao thông công cộng và quy hoạch đô thị" do Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội - Ile - de - France (IMV) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Cần lưu tâm yếu tố di sản

* Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng xây dựng những tuyến tàu điện ngầm tại TP Hà Nội?

- Tôi nghĩ đối với các thành phố lớn, việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng (GTCC), đặc biệt là hệ thống tàu điện ngầm - metro là quy luật chung để có thể giải quyết được nhu cầu về đi lại của người dân trong tương lai. Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tôi cũng cho rằng, ý tưởng về việc xây dựng một hệ thống tàu điện mà trong nội đô chạy ngầm và ra ngoại thành chạy trên cao là ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên, để hệ thống GTCC này vận hành một cách trôi chảy thì việc nghiên cứu bổ sung thêm hệ thống xe điện và xe buýt với làn đường riêng là rất cần thiết.

* Những thách thức có thể gặp phải trong quá trình tiến hành xây dựng hệ thống tàu điện nói riêng và hạ tầng GTCC nói chung là gì, thưa ông?

- Hiệu quả của các hệ thống giao thông phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới GTCC. Sự phát triển của hệ thống GTCC cần tính đến mối quan hệ giữa các luồng di chuyển và các địa điểm cần đến, giữa các mạng lưới và đô thị. Có rất nhiều thách thức đặt ra khi tiến hành xây dựng hạ tầng GTCC. Trong đó, các tác động mang tính then chốt có thể kể đến như: Cách thức lồng ghép các công trình hạ tầng về mặt cảnh quan và kiến trúc, sự gắn kết giữa mở rộng không gian đô thị và các mạng lưới hạ tầng, kiểm soát sự gia tăng của ô tô cá nhân, giảm mức tiêu thụ năng lượng…

Hệ thống tàu điện ngầm chạy qua thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

* UBND TP Hà Nội dự kiến xây dựng nhà ga C9 tại đường Đinh Tiên Hoàng. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào về mặt cảnh quan, cũng như yếu tố giá trị lịch sử? Ở Paris đã có tiền lệ nào như vậy trước đây chưa?

- Quá trình phát triển đô thị luôn làm nảy sinh nhiều vấn đề, tạo ra những sự thay đổi trên quy mô lớn liên quan tới việc làm gia tăng hoặc suy giảm giá trị của vùng dự án. Chính vì vậy ở Pháp, khi tiến hành lập sơ đồ quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống GTCC phải có đánh giá về tác động (kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…) của dự án tới đô thị.

Tôi nghĩ bao giờ nhà ga tàu điện cũng phải được xây dựng tại những nơi có mật độ người qua lại đông. Vì vậy, đôi khi chúng ta phải xây dựng ga tàu điện tại những khu vực có di tích lịch sử. Tôi lấy ví dụ như ở Rome (Thủ đô của Italia) hiện vẫn có rất nhiều tàn tích của đế chế Roman cũ, nên khi tiến hành xây dựng, người ta phải rất lưu ý đề không làm hỏng hoặc ảnh hưởng tới các di tích đó. Ở Paris không có nhiều di tích như ở Rome, tuy nhiên tại những khu vực điển hình của thủ đô như Tháp Eiffel, Viện bảo tàng Louvre, Nhà thờ Đức Bà,… chúng tôi vẫn có những nhà ga tàu điện ngầm. Điều quan trọng là khi xây dựng các bến đỗ, người ta cần tính toán để nó không gây cản trở tầm nhìn của du khách, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực khác.

Khi làm bất cứ điều gì đụng chạm tới di tích lịch sử đều cần phải rất thận trọng. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực thì việc xây dựng nhà ga C9 ở địa điểm dự kiến có thể mang tới rất nhiều cơ hội cho Hà Nội, bao gồm cả việc phát triển du lịch và giảm thiểu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe bus…) tại khu vực này. Các phiền phức sẽ dần đi vào quên lãng và biết đâu nhà ga C9 sẽ trở thành một điểm đến, điểm dừng chân, một dấu tích đẹp của thủ đô Hà Nội trong tương lai...

Phát triển tàu điện là nhu cầu tất yếu

* Tại Paris nói riêng và nước Pháp nói chung, việc hoàn thành một dự án tàu điện ngầm thường mất khoảng thời gian bao lâu, thưa ông?

- Quy hoạch thành phố cũng như quy hoạch giao thông đô thị bao giờ cũng đòi hỏi một khoảng thời gian dài, trung bình khoảng 10 năm. Tại Pháp, có những dự án phải mất tới 20 năm mới hoàn thành, bắt đầu từ khâu nghiên cứu, xây dựng phương án khả thi, mời thầu, tới quá trình thi công, vận hành hệ thống… Tuy đó là một khoảng thời gian tương đối dài, nhưng nếu không bắt tay vào làm ngay thì mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Một ga tàu điện ngầm tại Pháp (ảnh lớn); ông André Peny (ảnh nhỏ).

*Được biết, tại Paris, giá tàu điện ngầm (tính theo mệnh giá VNĐ) vào khoảng 40.000 đồng/người/lượt, tại Nhật Bản mức giá này thậm chí còn lên tới 55.000 đồng/người/lượt. Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với phần đông người lao động Việt Nam khi rất nhiều người đang chọn đi xe buýt… cho rẻ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Mỗi loại hình phương tiện giao thông có một ưu điểm riêng. Tại Paris, tàu điện ngầm có khả năng chuyên chở khoảng 300.000 hành khách/ngày; trong khi hệ thống phương tiện nổi thì chỉ vận chuyển được khoảng 100.000 người/ngày. Tốc độ của tàu điện ngầm cũng nhanh hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc lựa chọn phương tiện di chuyển nào còn phụ thuộc vào yếu tố địa hình. Việc phát triển xe buýt là cần thiết trong tương lai, như là một cách hỗ trợ cho hệ thống tàu điện; tuy nhiên, chúng tôi cũng đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội cần chú ý phát triển những tuyến buýt có làn đường riêng.

Cũng phải nói thêm rằng, đến một lúc nào đó, khi sự phát triển của đô thị quá lớn, chúng ta sẽ cần một hệ thống GTCC có khả năng chuyên chở nhiều hơn, nhanh hơn và hiện đại hơn. Chính bởi vậy, tàu điện sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai. Về giá vé, tôi tin UBND TP Hà Nội sẽ có những phương án điều chỉnh hợp lý để giá vé phù hợp với mức chi tiêu của số đông người dân. Thực tế là hiện nay, ngay cả xe buýt các bạn vẫn phải trợ giá đấy thôi.

* Hiện tại, TP Hà Nội có 8 dự án tàu điện đòi hỏi số vốn rất lớn. Theo ông làm thế nào để nhà đầu tư có thể huy động hiệu quả nguồn vốn khổng lồ này? Kinh nghiệm từ cách làm của nước Pháp là gì?

- Rõ ràng 8 dự án tàu điện ở Hà Nội không thể chỉ đi vay để xây dựng. Việc huy động vốn trong nhân dân thông qua kêu gọi đầu tư trực tiếp là rất cần thiết. Tại Pháp, ngoài nguồn thu chủ yếu từ tiền bán vé, chúng tôi còn mời thầu để xây dựng, cho thuê những khu vực kinh doanh phụ trợ xung quanh các nhà ga, bến tàu điện; qua đó đóng góp thêm vào nguồn thu cho hệ thống. Tại một số thành phố ngoại ô của Pháp, tàu điện ngầm không chuyên chở hành khách từ 1 giờ đêm tới 5 giờ sáng. Chính vì vậy, chúng tôi sử dụng những tuyến đường ray này để phục vụ cho các mục đích vận tải khác. Thành phố Hà Nội cũng có thể tham khảo một vài cách làm thực tế như vậy. 

Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị