Thời gian vừa qua, trong số những quyết sách có tầm ảnh hưởng nhất là việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) quyết định loại 4 nhóm BĐS ra khỏi thị trường phi sản xuất.
Tiếp đến ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 2196/CT/TTg về một số giải pháp tăng cường thị trường BĐS trong đó yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn cho vay đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp (TNT), công nhân lao động tại các KCN… và các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán thu hồi vốn đầu tư trong 2012. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong ngành, để có thể phá tảng băng BĐS đang quá lớn, buộc phải có những chính sách cụ thể, giải quyết ngọn nguồn vấn đề bên cạnh sự tự nỗ lực của bản thân mỗi DN.
Theo bà Lê Thúy Hương - Tổng giám đốc EciLand thì: Chủ đầu tư cần biết chủ động sáng tạo để tự mình thoát khỏi bẫy mà mình đã lọt vào. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với vai trò phát triển thị trường BĐS trong nền kinh tế cả nước hiện nay như: Tín dụng, nhà TNT... Ngân hàng cần có một mức vay ưu đãi thích hợp để trợ giá mua nhà TNT. Thêm vào đó, các quy định của Nhà nước đối với đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất cũng nên xem xét khả năng để có DN có thể cân đối và đưa ra mức giá sản phẩm hợp lý nhất cho khách hàng. Cụ thể, sau khi chủ đầu tư thanh toán tiền bồi thường cho dân cũng như tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho Nhà nước, thì lúc đó DN mới đưa ra giá sản phẩm ngoài thị trường. Nếu mức đóng tiền chuyển mục đích được cân nhắc theo chiều hướng giảm xuống thì chắc chắn mức giá sản phẩm tới khách hàng sẽ giảm xuống theo…
Đúng theo yêu cầu của NHNN, thời gian cuối năm 2011, nhiều NHTM đã bước đầu giảm lãi suất cho vay BĐS nhằm kích cầu thị trường BĐS. Có thể kể tới Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) giảm lãi suất cho vay xuống còn 19%, Ngân hàng An Bình sử dụng phương thức kéo dài thời gian cho vay và ân hạn cho khách hàng… Những động thái tích cực (dù chưa nhiều) từ phía hệ thống ngân hàng đã phần nào khích lệ niềm tin và hy vọng cho không ít nhà đầu tư đối với thị trường BĐS 2012. Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Phát triển BĐS Hà Nội cho thấy sự hy vọng của các nhà đầu tư là có cơ sở: Từ 2007, FDI thu hút của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam luôn đứng đầu trong các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, năm 2011 nguồn vốn này chỉ đứng thứ 4 trong khi BĐS chiếm tỷ lệ thu hút lớn trong nguồn tiền này. Có thể thấy Chính phủ đang lo ngại về vấn đề này và chuẩn bị các quyết sách nhằm tháo gỡ ngay trong năm 2012. Chắc chắn trong quý I/2012, Nhà nước sẽ kiểm soát cơ bản vấn đề lạm phát, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ - chìa khóa tháo gỡ cho BĐS.
Một quan điểm rất đáng chú ý khác đến từ ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành - một DN theo đuổi căn hộ diện tích nhỏ trong suốt năm 2011 vừa qua: Nhà nước cần có chính sách ưu tiên căn hộ nhỏ, cho phép chủ đầu tư thực hiện căn hộ nhỏ kèm theo đó là chỉ tiêu về số người trong căn hộ. Biện pháp thứ hai là tài chính. Ngân hàng cần cho vay những dự án có sản phẩm dưới 1 tỷ đ/sản phẩm và bàn giao xong trong 2012. 2 biện pháp này phải đồng thời cùng thực hiện mới mong tháo gỡ được tình trạng này. Nếu chậm trễ, chỉ trong 6 tháng nữa, sẽ có sự đổ vỡ hàng loạt DN BĐS… Ở góc độ khác, ông Trần Tấn Thiện - đại diện Cty CP Song Phát khẳng định: Chính phủ và ngân hàng phải quan tâm tới những dự án đã đầu tư và ưu tiên các dự án thuộc phân khúc trung bình và khá để giải quyết tính thanh khoản của thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu thực từ người dân.
Mới đây, Hiệp hội các nhà tài chính đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cần thiết phải có một chiến lược, chính sách về tài chính nhà ở một cách rõ ràng. Trong đó, chính sách tài chính nhà ở phải gắn với các ngân hàng chuyên biệt phục vụ nhà ở bởi đây là một khoản đầu tư dài hạn, vượt tầm thu nhập của những người dân thông thường, đối tượng TNT. Nếu không giải quyết được vấn đề này cho DN, kể cả DN thông thường lẫn DN BĐS hay chứng khoán, tiềm năng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng kém. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn tái cấu trúc hệ thống NHTM, trước hết cần giải quyết tình trạng lao dốc không phanh của chứng khoán và phá tảng băng BĐS vốn đang rất lớn bởi tài chính của 2 thị trường này hầu hết nằm trong hệ thống ngân hàng. Như vậy, tảng băng BĐS chỉ tan dần khi có sự vào cuộc tích cực hơn của ngân hàng, các chính sách vĩ mô cụ thể và đúng lúc của Nhà nước cũng như bản thân các DN địa ốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: