Top

Giải pháp ổn định thị trường

Cập nhật 14/06/2011 10:10

Nhằm đưa thị trường bất động sản (BĐS) đi vào ổn định và hoạt động một cách lành mạnh, Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ về tình hình thị trường BĐS và đề xuất một số giải pháp.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, thiếu bền vững. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của BĐS.

Thị trường nhà ở phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp dẫn đến thị trường căn hộ cao cấp bão hòa và dư thừa trong khi nguồn cung những nhà giá thấp thì quá thiếu, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê (chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trong cả nước).

Thị trường bất động sản TP.HCM trầm lắng, rất cần một cú hích từ chính sách.

Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến đã làm giá cả tại các khu vực này tăng mạnh, một số người môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng cơ hội “làm giá” để trục lợi, làm méo mó thị trường. Ngoài ra các vi phạm trong kinh doanh BĐS còn diễn ra phổ biến, như chủ đầu tư giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp.

Để minh bạch thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất việc nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị; có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% ), phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước đó, việc ban hành Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở như là một liều thuốc mạnh để đưa thị trường BĐS vào khuôn khổ. Cụ thể là việc “siết” lại hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giao dịch BĐS đều phải thông qua sàn giao dịch BĐS sẽ tạo nên sự minh bạch, đưa thị trường vào hoạt động quy củ.

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm và ủng hộ đó là những quy định về các hình thức mua bán, góp vốn thời điểm ban đầu của dự án. Điều này sẽ không còn tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc” gây bất ổn thị trường, đặc biệt là những quy định rất chặt chẽ đối với các nhà đầu tư cấp 1 và thứ cấp về huy động vốn.

Với quy định mới của Nghị định 71, một điều dễ nhận thấy là chỉ những doanh nghiệp chứng minh được năng lực thực sự mới có thể đảm bảo sự cạnh tranh để tồn tại. Những doanh nghiệp không có tính chuyên nghiệp cao, năng lực tài chính thấp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Chính phủ ban hành Nghị định 71 do Bộ Xây dựng soạn thảo với những quy định rất chặt chẽ và rõ ràng sẽ là tiền đề cho thị trường nhà ở phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Những nhà đầu tư trường vốn sẽ ở lại thị trường, còn những nhà đầu tư nhỏ lẻ manh mún sẽ bị loại. Điều này sẽ tạo ra một thị trường minh bạch hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức