Top

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: “Ta” phải gỡ khó cho “mình”

Cập nhật 13/06/2018 09:11

 Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm làm giảm hiệu quả các dự án đầu tư, gây lãng phí nguồn vốn bị ứ đọng, ngân sách nhà nước phải gánh chịu thêm một khoản lãi suất phát sinh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Vì thế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ hiện nay.


Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2017 chỉ đạt gần 84% so với kế hoạch được giao. Ảnh: THÀNH HOA

Giải ngân vẫn rất chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2017 chỉ đạt gần 84% so với kế hoạch được giao(1). Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/ NQ-CP, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Tuy nhiên, sang đến năm 2018, hết tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải mới giải ngân được gần 6.930 tỉ đồng - tương đương với 32,6% số vốn được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ giải ngân được 13,7%; còn đến ngày 14-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ giải ngân được 16%(2).

Do cơ chế, chính sách

Để có thể cấp vốn từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ cho một dự án đầu tư, theo Luật Đầu tư công 2014, phải trải qua một số bước khá chặt chẽ từ việc lập kế hoạch, đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, thông qua Chính phủ để đợi Quốc hội phê duyệt, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao chi tiết kế hoạch đầu tư cho các bộ, ngành và địa phương. Thêm nữa, các dự án được giải ngân theo từng phần, chỉ khi thực hiện xong các bước kế hoạch đầu tiên, số tiền để hoàn thành bước tiếp theo mới được cấp.

Điều 76, Luật Đầu tư công năm 2014 cần được sửa theo hướng quy định chặt chẽ các trường hợp được quyền gia hạn thêm thời gian giải ngân.
 

Vì vậy, chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công bắt nguồn từ việc lập, thẩm định, giao kế hoạch cũng như là quá trình thực hiện dự án đầu tư. Việc chậm trễ của bước kế hoạch này sẽ dẫn đến việc chậm trễ của bước kế hoạch sau, việc chậm trễ của năm này sẽ ảnh hưởng đến các năm sau do phải giải quyết nguồn vốn còn ứ đọng từ trước. Trong trường hợp của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng của bộ này, cho biết tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2018 chậm vì bộ còn có 25.235 tỉ đồng vốn từ năm 2017 kéo sang năm nay, được ưu tiên xử lý trước(3).

Luật Đầu tư công 2014 quy định rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ phải giao chi tiết kế hoạch cho các bộ, ngành và địa phương trước ngày 31-12 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn trước (năm kết thúc kế hoạch) hoặc ngày 31-12 hàng năm đối với các kế hoạch một năm. Nếu việc giao kế hoạch chi tiết quá muộn như thế, các bộ, ngành, địa phương và chủ thầu thực hiện dự án sẽ gặp khó khăn khi phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn thay đổi so với bản kế hoạch được trình lên ban đầu, không đảm bảo được tiến độ thi công.

Theo điều 76, Luật Đầu tư công 2014, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công được kéo dài sang hết năm đầu tiên của kế hoạch tiếp theo. Điều này gây ra tâm lý ỷ lại cho các bộ, ngành và địa phương, họ sẽ có tâm lý “để dành” việc, đến cuối năm mới bắt đầu đôn đốc thực hiện kế hoạch.

Quy trình triển khai dự án đầu tư công bao gồm khá nhiều bước, yêu cầu sự tham gia của nhiều bên. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc chậm trễ giải ngân nguồn vốn đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng đổ lỗi lẫn nhau, không đưa ra được biện pháp cụ thể để giải quyết tình hình. Cộng thêm việc hợp tác, trao đổi thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành khác và các địa phương còn chưa chặt chẽ, đã làm cho quá trình lập, giao và triển khai các kế hoạch đầu tư mà Quốc hội và Chính phủ đề ra bị chậm trễ và sai lệch.

Do quá trình thực hiện

Ngoài nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách nói trên, còn có nguyên nhân các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế chính sách đền bù mặt bằng, tái định cư công bằng, phù hợp, tuân theo quy luật thị trường nên việc thu hồi đất để thực hiện các dự án thường xuyên gặp phải sự phản đối của người dân. Các cơ quan quản lý không có kế hoạch rõ ràng trong dài hạn về các dự án đầu tư, gây ra quy hoạch chồng chéo. Cho nên, công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện các dự án còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, dẫn đến việc chậm tiến độ thi công.

Thêm nữa, các nhà thầu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn về chuyên môn, quản lý, nguồn lao động chất lượng cao.

Siết và mở

Thứ nhất, để có thể đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trước hết cần sửa đổi thời hạn trong việc trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư, không để tình trạng đến sát thời gian thực hiện dự án mới nhận được kế hoạch chi tiết được phê duyệt từ Quốc hội và Chính phủ. Điều 76, Luật Đầu tư công năm 2014 cần được sửa theo hướng quy định chặt chẽ các trường hợp được quyền gia hạn thêm thời gian giải ngân. Các trường hợp không giải trình được lý do, không đáp ứng được điều kiện quy định đều bắt buộc phải hoàn thành việc giải ngân hết trong thời gian của dự án.

Thứ hai, mặc dù quy trình chặt chẽ là cần thiết đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Tuy nhiên, đối với các dự án nhóm B và C, nên đơn giản hóa các thủ tục cấp vốn, thẩm định và phê duyệt dự án, cho phép các bộ, ngành tự quyết định và chịu trách nhiệm một số dự án đầu tư mà không phải thông qua Quốc hội nhằm tiết kiệm thời gian giải trình và chấp thuận.

Thứ ba, cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công, bao gồm cả việc giải ngân nguồn vốn chậm, tránh tình trạng không ai chịu đứng ra nhận lỗi, đổ trách nhiệm cho nhau.

Thứ tư, tăng cường sự liên kết, hợp tác trao đổi thông tin giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để có thể thống nhất kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Cuối cùng, xây dựng cơ chế đền bù theo đúng giá thị trường nhà đất, có định hướng quy hoạch trong dài hạn nhằm gỡ bỏ những khó khăn trong vấn đề giải tỏa mặt bằng.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG