Top

Giải ngân gói 30.000 tỷ: Chưa đạt như kỳ vọng

Cập nhật 21/12/2015 13:19

Năm 2015 sắp kết thúc, tức còn hơn 5 tháng nữa, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ chấm dứt việc giải ngân (từ ngày 1/6/2013 đến hết ngày 31/5/2016, theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước). Tuy có cải thiện và điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhưng tiến độ giải ngân của gói tín dụng này chưa đạt như kỳ vọng. 


Đó cũng là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 9/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay 20.425 tỷ đồng và giải ngân được 12.293 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng.

Với kết quả này, gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện được 70% cam kết nhưng giải ngân chỉ đạt khoảng 40% (trong đó các đối tượng thụ hưởng đa số là người mua nhà và phần còn lại là doanh nghiệp).

Theo ông Châu, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là chủ trương có tác động tích cực đến thị trường, chí ít là giải phóng hàng tồn kho, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà ở..., nhưng thời gian hiệu lực cận kề nên vấn đề quan trọng là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân mới có thể đạt mục tiêu đề ra, hoặc xem xét lại thời hạn giải ngân đã quy định.

Trước đây, HoREA đã từng có văn bản kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng gia hạn thời gian thực hiện gói này đến cuối tháng 5/2018 nhưng ngay trong Nghị quyết 02 của Chính phủ (năm 2013) không quy định thời hạn "đóng cửa" với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nên các bộ, ngành (cụ thể là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng) cần đánh giá tình hình thực tế (cung - cầu) để có thể tiến đến việc áp dụng gói 30.000 tỷ đồng vô thời hạn (chủ yếu hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng/căn).

Bởi theo nhìn nhận của HoREA, những thông tin như khách hàng đang "lãng quên" hay "nản" vay gói 30.000 tỷ đồng mà chuộng vay thương mại vì thủ tục đơn giản hơn là không đúng, vấn đề là các cơ quan quản lý và nhà băng có tạo cơ chế giải ngân linh hoạt hơn cho khách mua và nguồn cung có đáp ứng kịp nhu cầu hay không.

Về phía doanh nghiệp phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng yêu cầu giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, theo ông Châu, hiện, tại Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 (quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư trước khi bán sản phẩm phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh) cũng bắt buộc các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội phải có bảo lãnh.

Đây là điều cần xem xét lại vì những doanh nghiệp, dự án được xét duyệt nhà ở xã hội đã trải qua quá trình "kiểm nghiệm" gắt gao và tiến độ được kiểm soát chặt chẽ thì khó có chuyện "xù” khách hàng. Hơn nữa, với quy định này, khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi vì giá thành bị đẩy lên.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG