Top

Giải cứu chung cư sập bất cứ lúc nào trong 2 năm tới: Lời hứa từ TP.HCM

Cập nhật 30/03/2016 08:38

Theo Luật Nhà ở 2014, người dân và nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ sẽ tự thỏa thuận phương án thực hiện. Đây sẽ là lối thoát khả thi cho việc giải cứu những chung cư đang xuống cấp nghiêm trọng.

Chung cư Thanh Đa xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Gia Huy

Thấp thỏm sống ở chung cư chờ sập

Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố hiện có 1.002 chung cư, với 3,4 triệu m2 sàn xây dựng, bao gồm hơn 50.000 căn hộ, trong đó có 178 chung cư xuống cấp và 67 chung cư đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trước tình trạng những chung cư xuống cấp trầm trọng, các hộ dân chỉ tìm cách “tránh sập” bằng việc… đi thuê nơi khác sống! Tại chung cư Trần Hưng Đạo (quận 1), ghi nhận của phóng viên tại đây chỉ còn 10 hộ dân sinh sống. Lầu 10 còn lại 2 hộ chưa di chuyển, có lầu còn duy nhất 1 hộ sống. Nhiều tầng lầu bị bỏ hoang trở thành vương quốc của chuột và có lẽ, chỉ có rác ngập khắp nơi mới có thể nhận ra rằng, nơi đây đã từng là nơi con người sinh sống.

Ông Châu Minh Thành, chủ căn hộ số 1012 cho biết: “Những người có tiền đã đi nơi khác thuê nhà, chúng tôi chẳng có điều kiện, nên đành ở lại, dù biết chung cư này có thể sập bất cứ lúc nào”.

Khu chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10, TP.HCM) được xây dựng từ trước năm 1975, tại cụm chung cư này, bên ngoài là các bức tường rêu loang lổ, chằng chịt đường dây điện, ống nước...

Chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng vậy, do có tuổi đời cao, những chung cư này xuống cấp nghiêm trọng, căn hộ thì đã sập trần, căn thì lung lay cánh cửa. “Nhiều hôm, đúng bữa ăn, vữa trên trần nhà rơi xuống lả tả”, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổ trưởng tổ dân phố tại lô L, chung cư Thanh Đa cho biết.

Những cư dân ở đây cho biết, đã có nhiều cuộc họp do quận và phường tổ chức với người dân để đưa ra giải pháp cải tạo lại những chung cư này, đặc biệt, sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, với các điều khoản thông thoáng hơn khi cho phép các chung cư cũ được tự cải tạo. Chỉ có điều, các cuộc họp đều đi vào ngõ cụt, khi mà không có đơn vị xây dựng nào chấp nhận đầu tư cải tạo lại chung cư cũ này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng Thanh Niên - doanh nghiệp muốn cải tạo một lô tại chung cư Thanh Đa cho biết, mặc dù, Luật đã mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia sửa chữa, cải tạo chung cư cho người dân, nhưng lại thiếu điều khoản cụ thể về các hạn định kỹ thuật khi nâng cấp, hoặc khung giá tham chiếu để làm cơ sở đàm phán với người dân…

“Chúng tôi đã tổ chức 3 cuộc họp với những người dân sống tại lô X chung cư Thanh Đa, nhưng cuối cùng không đi tới đâu. Việc vướng quá nhiều thủ tục khi xin phép quận, phường, rồi những khó khăn khi thỏa thuận người dân khiến chúng tôi nản lòng. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp xây dựng sẽ chịu áp lực lớn về đảm bảo an toàn cho cư dân khi tiến hành cải tạo, bởi hầu hết đều phải thi công “mò”, do bản vẽ thiết kế của các chung cư hầu như không còn”, ông Sơn nói.

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố đang xây dựng các chính sách hợp lý, nhằm kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng dự án mới. Ngoài ra Sở cũng đang lập đoàn kiểm tra 30 chung cư cũ, UBND các quận, huyện cũng đang tiếp tục kiểm tra các khu chung cư xuống cấp để tổng hợp các phương án xử lý trong thời gian tới.

Chung cư cũ sẽ “đổi đời” vào năm 2018?

Trước những phàn nàn của người dân về tình trạng các chung cư bệ rạc, xuống cấp trầm trọng và những bất cập trong di dời, giải tỏa… ngày 18/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã bất ngờ thị sát chung cư Cô Giang (quận 1) - chung cư đang xuống cấp nghiêm trọng.

Sau khi thị sát, ông Thăng yêu cầu, trong 5 năm, quận 1 phải xây mới toàn bộ những chung cư đang trong tình trạng “sập bất cứ lúc nào”. “Phải đảm bảo người dân sống trong sự an toàn”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, đây đang là vấn đề nóng tại TP.HCM. Các chung cư “chờ sập” được đưa vào danh sách và phải di dời dân bằng nhiều biện pháp, sau đó đầu tư và tái định cư trở lại. Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng, sẽ kêu gọi xã hội hóa quá trình đầu tư, thay vì sự tham gia của Nhà nước.

“Dù bất kỳ giải pháp nào, thì mục tiêu lớn nhất của Thành phố là, đảm bảo cho người dân có căn hộ mới, tốt hơn và an toàn hơn”, ông Hoan nói.

Ngoài ra, ông Hoan cũng cho rằng, để thực hiện được chủ trương trên, các quận, huyện phải khảo sát và có đề xuất cụ thể về tổng lượng dân cư, hạ tầng tại khu vực đó, để Thành phố có giải pháp tổng thể. Dù khối lượng công việc là rất lớn, việc tiến hành lại phức tạp, khó khăn, nhưng ông Hoan khẳng định, chắc chắn 2 năm nữa, Thành phố sẽ giải quyết dứt điểm các chung cư đang ở mức độ xuống cấp nghiêm trọng.

Về giải pháp xã hội hóa việc cải tạo các chung cư cũ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương cần rộng mở hơn trong cơ chế, để thu hút nhà đầu tư. Chẳng hạn, nâng tầng tại các vị trí không giới hạn số tầng là giải pháp để các chủ đầu tư tạo lợi nhuận khi tiến hành cải tạo.

“Nếu cân đối được lợi ích cho doanh nghiệp, chắc chắn họ sẽ có động lực để tham gia. Vì vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của người dân và chủ đầu tư”, ông Châu nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư