Top

Giá thuê mặt bằng phía Tây Sài Gòn chỉ bằng 30% khu trung tâm

Cập nhật 15/03/2016 08:56

Các dự án bán lẻ ở khu vực phía Tây TP HCM có giá thuê khá cạnh tranh, trung bình 30 USD một m2 mỗi tháng trong khi mức giá trung bình tại khu trung tâm là 100 USD, theo Savills Việt Nam.

Theo đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản này, nguồn cung thị trường bán lẻ khu vực lõi trung tâm TP HCM có sự đan xen giữa nhà phố kinh doanh và các trung tâm thương mại hiện đại. Giá thuê mặt bằng ở đây khá cao, trung bình trên 100 USD mỗi m2.

Khu vực phía Nam có khoảng 3 trung tâm thương mại lớn gồm: Crescent Mall, Vivo City, Lotte mart và phần lớn còn lại là siêu thị và khối đế bán lẻ. Giá thuê trong các khu mua sắm hiện đại này xấp xỉ bằng một nửa khu vực trung tâm, khoảng 50 USD một m2 mỗi tháng.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ ở khu vực Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) trong một vài năm tới sẽ tăng nhanh cùng với sự phát triển của các dự án dân cư và cơ sở hạ tầng. Giá thuê mặt bằng của khu vực này bình quân 35 USD mỗi m2 một tháng.

Trong khi đó, các dự án bán lẻ ở khu vực phía Tây thành phố gồm các quận Bình Tân, Tân Phú, một phần Bình Chánh và quận 6, 8 có giá thuê trung bình khoảng 30 USD một m2 mỗi tháng, gần như là địa bàn có mặt bằng bán lẻ cho thuê rẻ nhất Sài Gòn.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở trục đô thị phía Tây TP HCM trung bình 30 USD một m2 mỗi tháng, rẻ nhất so với các hướng phát triển Đông, Nam và khu trung tâm hiện hữu. Ảnh: Q.H

Theo đánh giá của Savills, dân số của trục đô thị phía Tây TP HCM khoảng 1,9 triệu người tại khu vực phía Tây sẽ tạo ra nguồn cầu lớn có tiềm năng cho thị trường bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng (cầu, đường) phát triển chậm, tính kết nối giao thông chưa cao kìm hãm sự phát triển bán lẻ tại khu vực này.

Khu vực phía Tây có lượng dân cư đông đúc và quỹ đất sẵn có rất lớn với giá đất vừa phải. Đây là những yếu tố thu hút các nhà đầu tư phát triển những dự án bán lẻ quy mô lớn. Trong tương lai, nếu hệ thống giao thông hiện đại được phát triển kịp thời như tuyến đường metro 5, hay tuyến xe buýt nhanh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ trên địa bàn này.

Trong khi đó, dữ liệu của Cushman & Wakefield, năm 2016 nguồn cung tương lai tại khu vực phía Tây Sài Gòn sẽ cao hơn khá nhiều so với các khu vực còn lại với sự góp mặt của 2 dự án quy mô lớn tại quận Bình Tân. Đơn vị này dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu Nam sẽ chững lại do ít có dự án mới được tung ra thị trường trong năm 2016-2017.

Phụ trách dịch vụ bán lẻ Cushman & Wakefield, bà Võ Thị Phương Mai đánh giá, quỹ đất phát triển tại phía Tây Sài Gòn vẫn còn nhiều, là động lực phát triển dự án mới nên nguồn cung thị trường sẽ tăng lên tại đây. Tại khu Tây sẽ đón nhận 2 dự án mới khá lớn của nhà đầu tư nước ngoài là Aeon (Nhật) và Central Group (Thái Lan), nâng nguồn cung lên hơn 130.000 m2.

Theo bà Mai, trục đô thị phía Tây Sài Gòn cũng sẽ đón nhận thêm nhiều dự án nhà ở, mật độ dân cư tăng cao nên nhu cầu về mua sắm tiêu dùng sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho các dự án có mặt bằng bán lẻ xuất hiện ngày một nhiều tại đây trong thời gian tới.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress