Top

Giá nhà đất vượt xa thu nhập của người dân

Cập nhật 08/06/2018 11:11

Hiện tại, bình quân thu nhập của mỗi người đang ở mức từ 45 - 55 triệu đồng/người/năm, số tiền này để lo trang trải cuộc sống hàng ngày còn chật vật, huống chi nghĩ đến chuyện tích góp mua nhà...

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư công ty Tư vấn bất động sản (BĐS) Savills Việt Nam phân tích, với thu nhập bình quân ở mức hơn 2.000 USD/người/năm như hiện tại thì việc mua một sản phẩm giá khoảng từ 1 - 1,5 tỷ đồng không phải là dễ. Trong khi đó, giá đất đang chiếm từ 40-60% tổng giá trị một căn hộ.

Giới trẻ hiện nay chưa có tích lũy nhiều sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Do vậy, khi giá đất bị đẩy lên cao như hiện nay thì việc giảm giá nhà ở rất khó. Trong khi đó, thời gian thực hiện quy trình thủ tục của các dự án BĐS đang mất từ 3 - 5 năm, vì kéo dài quá lâu làm phát sinh rất nhiều chi phí.

Nếu không giải quyết được vấn đề này thì việc phát triển các căn hộ có giá từ 1 - 2 tỷ đồng trong vài năm tới sẽ vô cùng khó khăn. Trong khi hiện phần lớn nhu cầu vẫn tập trung ở phân khúc dành cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ. Các dự án đáp ứng được nhu cầu của số đông người dân đều có thanh khoản cao, cung không đủ cầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, BĐS có giá hợp lý khi giá trị bằng 5 - 7 lần thu nhập bình quân một hộ gia đình. Vì vậy, khi giá nhà đất tăng cao, người mua nhà là giới trẻ hiện nay chưa có tích lũy nhiều sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các nhà phát triển BĐS phải cơ cấu sản phẩm, hướng thị trường về nhu cầu ở thực, tránh hùa theo thị trường tăng giá nóng nhằm đảm bảo thanh khoản về lâu dài.

Theo ghi nhận thị trường của các công ty nghiên cứu BĐS, giá đất và giá nhà gắn liền với đất tại khu vực lân cận trung tâm và có hạ tầng phát triển tốt như quận 9, quận Thủ Đức, hay các huyện Bình Chánh, Củ Chi cũng đã tăng từ 50% - 100% so với trước kia, mức tăng quá cao so với thu nhập bình quân của người dân.

Hiện tại, bình quân thu nhập của mỗi người đang ở mức từ 45 - 55 triệu đồng/người/năm, số tiền này để lo trang trải cuộc sống hàng ngày còn chật vật, huống chi nghĩ đến chuyện tích góp mua nhà. Vì vậy, dựa trên sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, có thể thấy giá đất và các sản phẩm BĐS tại TP.HCM đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng.

Thực tế, thời gian qua, một số khu vực đã xảy ra cơn sốt nhà đất cục bộ. Đơn cử như giá nhà đất khu vực quận 9 đã tăng thêm 1/4 giá so với thời điểm cách đây 6 tháng trước. Thậm chí, giá đất ở một số nơi của TP.HCM đã có mức tăng gấp đôi trong một thời gian rất ngắn. Theo ông Quang Phúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong đó, trước tiên là việc đẩy giá của các đầu nậu và môi giới, lợi dụng thực trạng nhu cầu nhà ở thực của người dân ngày càng nhiều nhưng quỹ đất ngày càng hạn hẹp dần. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 2-3 triệu dân/tổng số 10 triệu dân của thành phố đang có nhu cầu về nhà ở. Tâm lý mua nhà đất để ở và tích luỹ tài sản của người Việt vẫn tồn tại. Cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông, kết nối với khu vực trung tâm và các tỉnh lân cận cũng là yếu tố thúc đẩy giá nhà đất tăng cao.

Bàn về vấn đề này, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, thời gian qua, có hiện tượng một số người dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ về Thủ Đức, quận 2, quận 9 để mua nhà, mua đất khiến cho giá nhà, giá đất các khu vực này bị đẩy lên cao đột biến. Trong khi nhu cầu tăng thì nguồn cung lại giảm.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, nguồn cung căn hộ và nhà thấp tầng trên địa bàn thành phố đã giảm 12% so với cùng kỳ. Đó cũng là một trong những yếu tố làm giá nhà, giá đất tăng nhanh. Đặc biệt, vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và của tại chung cư Carina (Quận 8) đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người mua nhà, hệ lụy là giao dịch nhà chung cư thuyên giảm, mọi người có tâm lý chuyển sang tìm mua đất và nhà thấp tầng…

"Tuy nhiên, mức tăng đến 60 - 70%, thậm chí gấp đôi, gấp ba như trên thị trường thời gian qua là không đúng với giá trị thật. Điều này chủ yếu là do bộ phận môi giới, cò đất đã thổi giá, tạo sốt ảo để hưởng lợi chênh lệch qua các giao dịch nhà đất. Chính vì vậy, người dân phải tỉnh táo nhìn nhận và đánh giá về giá trị sản phẩm sẽ mua. Đối với DN, các chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường, cơ cấu sản phẩm phù hợp để tránh rơi vào vết xe đổ khủng hoảng và đóng băng BĐS như giai đoạn trước kia" - ông Sơn đưa ra cảnh báo.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng