Không loại trừ kịch bản Đà Nẵng - nơi người Hà Nội chiếm đến 80% số nhà đầu tư - được vận dụng ở TP.HCM. Rất có thể, sự kết thúc của cái này sẽ là khởi đầu cho cái khác. Dòng tiền nóng luôn vận động và có đặc thù riêng của nó: hiệu ứng domino.
Thế đảo ngược trên bàn cờ
Lại thêm một lần nữa, bàn cờ di động của hai thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội và TP.HCM diễn ra xu hướng vận động trái chiều. Nhưng vào lần này, "quân xanh" đang thuộc về khu vực TP.HCM.
Suốt năm 2010 có thể xem là thất bại ê chề của BĐS TP.HCM. Hầu hết các phân khúc BĐS của thành phố này đều không khả quan, nếu không muốn nói phân khúc căn hộ cao cấp tiếp tục tuột dốc thảm hại. Kết quả của phong trào đổ xô xây dựng các loại căn hộ cao cấp là hậu quả chua chát mà giới chủ đầu tư phải nhận: giảm giá, tăng khuyến mãi nhưng vẫn không có người mua. Chủ đầu tư đối mặt với hiểm họa phá sản.
Trong khi đó, năm 2010 lại là thời kỳ hồi vốn của giới chủ đầu tư căn hộ cao cấp ở Hà Nội. Sau khi đã bị ghìm nén suốt giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cuối cùng chủ đầu tư và cả những người mua thứ cấp vào năm 2007 cũng được dịp thở phào khi "tống khứ" được cái "của nợ cao cấp" của họ, thu hồi một phần vốn.
Song đến tháng 4/2011, thời hoàng kim của thị trường nhà đất Hà Nội có vẻ đang đi vào phân đoạn cuối cùng. Khu vực tăng giá đầu tiên của Thủ đô có thể được miêu tả như "mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh", bởi giờ đây một sự thật hiển nhiên là đất nền khu vực phía tây Hà Nội đã chùng hẳn về giao dịch, đã xuất hiện tình trạng đóng băng thanh khoản và bán giảm giá để thu hồi vốn.
Tuy thế, đây có thể chỉ là sự kết thúc của một phân cảnh trong toàn bộ vở kịch. Bởi cũng từ cuối tháng 4/2011, sau nhiều tháng suy giảm và đi ngang, lần đầu tiên chỉ số BĐS TP.HCM tăng nhẹ: 0,15% cho phân khúc đất nền và 0,07% cho phân khúc căn hộ.
Từ đầu tháng 3/2011 đến nay, đã có những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi muộn màng của thị trường BĐS khu vực phía Nam. Những bản tổng hợp hàng tháng của các hãng tư vấn BĐS như CBRE, Vinaland cho thấy khu vực phía Đông của TP.HCM là quận 2 và quận 9 đã có mức tăng giá khá ấn tượng trong phân khúc đất nền. Tất nhiên, đây không phải là một quá trình tăng giá hoàn hảo cùng với trạng thái gia tăng về thanh khoản.
Thậm chí, vẫn có một nghịch lý đang tồn tại: giá tăng trong điều kiện giao dịch hết sức èo uột. Thế nhưng mặt bằng giá một vài dự án đã trở về đỉnh giá của năm 2007, bất chấp sự mong đợi của đại đa số người tiêu dủng về xu hướng giảm giá sẽ tiếp diễn.
Cũng trong tình trạng mất cân đối về giá - giao dịch tương tự, mặt bằng giá đất nền và căn hộ của Bình Dương đã có bước tiến đến 15-35% từ đầu năm 2011 đến nay. Các dự án Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 và đặc biệt là dự án thành phố mới Bình Dương đang là nguồn cơn của những biến động về giá đất.
Vào đầu tháng 4/2011, đã bắt đầu xuất hiện thông tin tăng giá bán căn hộ cao cấp tại Bình Dương - một loại tin tức thật khó để tin nếu xét đến hoàn cảnh điêu đứng của phân khúc căn hộ cao cấp hiện nay. Nhưng vào những ngày gần đây, dự án thành phố mới Bình Dương đã trở nên một hiện tượng lạ khi chào bán được khá nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp với giá trung bình 29 triệu đồng/m2 - một thành công có thể khiến cho các đồng nghiệp ở TP.HCM phải lắc đầu ganh tỵ.
Khá nhiều căn hộ cao cấp thuộc Dự án thành phố mới Bình Dương đang được chào bán giá trung bình 29 triệu đồng/m2.
|
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: