Ông cha ta thường có câu "im lặng là vàng", nhưng trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta cố tình im lặng thì nó lại thành...
Đã có một thời kỳ, cứ mâu thuẫn với chủ dự án bất động sản (BĐS), khách hàng lại đệ đơn đến các cơ quan báo chí nhằm dùng công luận tạo sức ép với chủ đầu tư. Nhưng thời gian gần đây, khách hàng tại nhiều dự án “có vấn đề” lại chọn cách làm ngược lại: im lặng là vàng.
Giữa năm 2011, khi thị trường BĐS Hà Nội có dấu hiệu đi xuống rõ ràng, khách hàng tại nhiều dự án BĐS, nhất là những dự án chậm tiến độ đều muốn rút vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc rút vốn không dễ, bởi các chủ dự án khi ấy cũng rất khó khăn về vốn. Vì vậy, nhiều khách hàng đã gửi đơn đến cơ quan báo chí nhằm gây sức ép với chủ dự án đòi tiền. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, quá trình đấu tranh đòi quyền lợi của cư dân nhanh chóng mang lại nhiều hiệu quả.
Tuy nhiên, gần đây, tại nhiều dự án, khách hàng đang “ngậm đắng, nuốt cay” chọn giải pháp im lặng vì e ngại “xé to chuyện” sẽ làm hình ảnh dự án xấu đi và gián tiếp làm giảm giá bất động sản mình đang sở hữu.
Tranh chấp giữa cư dần Keangnam và chủ đầu tư đã đi vào âm thầm, dù vẫn chưa đi đến hồi kết
Cuối năm 2011, ngay sau khi nhận bàn giao căn hộ tại dự án Keangnam Landmark Tower (Hà Nội), nhiều người dân đã bị sốc vì mức phí quản lý chủ đầu tư đưa ra quá cao. Quá phẫn nộ, nhiều khách mua nhà tại dự án này đã tập hợp, lập ra Ban đại diện lâm thời và gửi đơn đến nhiều cơ quan báo chí để “tố” việc chủ dự án thu phí quá cao và không hề nghĩ đến quyền lợi của khách hàng. Quá trình đấu tranh của cư dân diễn ra gay cấn với sự hỗ trợ tích cực của các nhà báo. Thế nhưng, thông tin về cuộc đấu tranh của cư dân nơi này gần đây xuất hiện thưa dần trên các báo, dù cuộc tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa đi đến hồi kết.
Một phóng viên chuyên viết về BĐS của một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội kể, anh được một đại diện cư dân Keangnam mời đến dự buổi làm việc giữa đại diện chủ dự án và đại diện cư dân Keangnam Hà Nội mới đây, nhưng nhiều đại diện cư dân đã tỏ thái độ không hài lòng ra mặt khi thấy sự xuất hiện của phóng viên. Theo một cư dân sống tại dự án này, khá nhiều người mua nhà tại dự án là nhà đầu tư lướt sóng. Khi báo chí viết quá nhiều về những lùm xùm của dự án, giá căn hộ tại dự án liên tục giảm và rất khó bán. Vì vậy, cư dân dự án này chọn giải pháp: im lặng và thỏa hiệp với chủ đầu tư.
Mới đây, báo chí lại được một phen sôi sục trước việc hàng trăm cư dân dự án N05 của chủ đầu tư Vinaconex trên đường Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận nhà ở chưa ấm chỗ đã có đơn khiếu nại chủ đầu tư. Trong vụ việc này, phóng viên Đầu tư Chứng khoán cũng đã có cuộc tiếp xúc với Ban đại diện khách hàng. Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên, Ban đại diện cư dân đề nghị nhà báo phản ánh cụ thể, chân thực về vụ việc. Tuy nhiên, sau đó, Ban đại diện lại năn nỉ nhờ phóng viên làm ngơ.
Mới đây, hàng trăm khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Thuận Thành đòi rút vốn vì chủ dự án không thể triển khai dự án làm chủ đầu tư sau hàng năm trời huy động tiền góp vốn của khách hàng. Việc lấy tư liệu liên quan đến vụ việc, cánh phóng viên ngỡ dễ dàng, nhưng thực tế lại rất khó khăn do nhiều khách hàng lo ngại khi vụ việc được đưa tin rộng rãi, việc đòi tiền sẽ… khó khăn hơn (!)
Dường như khách hàng mua nhà tại những dự án BĐS “có vấn đề” đã thay đổi phương thức đấu tranh với chủ đầu tư. Vì thế, những bất cập, mâu thuẫn tại nhiều dự án, khu dân cư sẽ còn dai dẳng và khó có thể được giải quyết dứt điểm.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: