Top

Rao bán khách sạn trăm tỷ ở Đà Nẵng để cắt lỗ

Cập nhật 03/03/2021 11:59

Dịch Covid-19 kéo dài khiến lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm, nhiều chủ cơ sở kinh doanh lưu trú phải đóng cửa, thậm chí rao bán khách sạn để cắt lỗ.

Chủ sở hữu dán thông báo bán khách sạn ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Vũ.

Làm trong lĩnh vực môi giới khách sạn, anh Trần Văn Ánh cho biết giai đoạn năm 2018-2019, dịch vụ khách sạn phát triển mạnh tại Đà Nẵng. Nhưng đến giữa 2020 thì lượng khách lưu trú nhỏ giọt, nhiều khách sạn không có chi phí để vận hành.

Đầu năm 2021, ngành du lịch Đà Nẵng có tín hiệu phục hồi thì dịch bệnh tái bùng phát, nguồn khách đến địa phương bị hủy 90%, dẫn đến các dịch vụ du lịch đóng băng trở lại. Hệ lụy là nhiều người đã phải rao bán khách sạn ở các khu vực ven biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với hy vọng cắt lỗ, trả nợ ngân hàng.

Giảm giá bán vẫn hiếm người mua

Ông Nguyễn Văn Tiến (Hà Nội) sở hữu một khách sạn ở đường Hà Bổng (quận Sơn Trà) với diện tích khoảng 500 m2, 40 phòng. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, trung bình mỗi ngày khách sạn nhận được 25-30 đoàn khách đến đặt chỗ.

Mùa hè những năm trước, khách đến thuê phòng đạt 90-100% công suất. "Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay, rất ít khách đến thuê phòng. Chúng tôi phải tạm đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ làm để giảm chi phí", ông Tiến than thở.

Anh Trần Văn Tuấn, chủ một khách sạn trên đường Hoàng Sa, cho biết dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, các chủ sở hữu buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.

"Việc rao bán khách sạn không thể tránh khỏi khi nguồn thu không có mà chi phí vận hành bỏ ra mỗi ngày lớn”, anh Tuấn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thành (trú quận Ngũ Hành Sơn) nói do không chịu được chi phí phát sinh và gánh nặng trả lãi ngân hàng nên từ Tết Tân Sửu, chị đã rao bán khách sạn của mình.

Khách sạn của chị Thành có diện tích 700 m2, cao 20 tầng với 131 phòng lưu trú và 2 phòng hội nghị được rao bán giá 440 tỷ đồng. "Tôi rao bán từ sau Tết nhưng người đến hỏi mua rất ít. Nếu không bán được khách sạn, nguy cơ phá sản rất cao", chị Thành chua xót nói.

Theo khảo sát của Zing, hiện trên các trang mua bán bất động sản có đến hàng chục chủ khách sạn (từ 2 đến 4 sao) rao bán. Do ít người mua nên giá hiện nay cũng giảm khoảng 20-25% so với năm trước.

Cụ thể, loại hình khách sạn 3 sao hiện có giá bán từ 20 đến 100 tỷ đồng. Khách sạn 4 sao được rao bán với giá 280 tỷ đồng. Giá trị từng khách sạn thay đổi tùy vào vị trí, diện tích, chất lượng, số căn, thương hiệu...

Bao giờ ngành du lịch khởi sắc?

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, cho biết tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 1/2021 ước đạt hơn 250.000 lượt, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%.

Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 1/2021 giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thừa nhận do các dịch vụ du lịch gần như đóng băng nên đã có nhiều người phải rao bán khách sạn.
Do vắng khách nên nhiều cơ sở lưu trú đóng cửa. Ảnh: Nguyên Vũ.

“Trước Tết, dịch tái bùng phát khiến các nguồn khách dừng lại. Có đến 90% lượng khách hủy, lùi kế hoạch đến Đà Nẵng. Do đó, việc nhiều chủ khách sạn rao bán là điều bình thường khi lượng khách suy giảm nhanh chóng”, ông Dũng đánh giá.

Ông Dũng cho rằng, việc rao bán khách sạn là quy luật của thị trường, đây có thể là thời điểm sàng lọc, tái cấu trúc lại phân khúc nghỉ dưỡng.

“Nếu những doanh nghiệp định hướng bền vững sẽ tồn tại lâu dài, hoặc các nhà đầu tư mới có tâm huyết hơn sẽ tạo ra sự thay đổi đột phá cho thị trường nghỉ dưỡng. Đôi khi, đó cũng là cơ hội để điểm đến nâng cao chất lượng, phục vụ du khách tốt hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cũng nói thêm một tín hiệu rất mừng là ngày 24/2 vừa qua, hơn 117.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đã được đưa về Việt Nam để tiêm phòng cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Thời gian tới, khi người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ mở ra một tín hiệu tốt cho ngành du lịch nước nhà. Khi đó, nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng tăng trở lại sẽ khiến cho ngành kinh doanh khách sạn phục hồi.

Ông Dũng cho biết để giải cứu ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm sâu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.

"Các ngân hàng cần phải giảm sâu lãi vay vì đợt vừa qua giảm ít quá, 5% trên lãi vay thì không ăn thua; phải giảm 50% lãi vay hoặc không thu lãi vay, mới giúp được doanh nghiệp. Bên cạnh việc giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng giãn nợ cho các doanh nghiệp", ông Dũng kiến nghị.

DiaOcOnline.vn – Theo Zing