Top

FDI vào bất động sản: Lợi bất cập hại

Cập nhật 20/10/2008 10:00

Trong huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cái cần nhất của chúng ta là công nghệ, năng lực quản trị, kỹ năng công nghệ chứ không phải vì thành tích vốn cam kết và số lượng dự án. Bản thân từng dự án nhìn lâu dài mà nói nhà đầu tư nước ngoài là những người được nhất chứ không phải là chúng ta.

TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Quản lý kinh tế trung ương - CIEM) nêu quan điểm: Cái chúng ta được trong thu hút đầu tư FDI không phải là tiền của họ, vì nhà đầu tư khi họ bỏ 1 đô la vào, trong dài hạn họ phải lấy ra ra khỏi Việt Nam nhiều hơn 1 đô la.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn muốn thu hút FDI? Đó là vì chúng ta muốn có công nghệ quản lý, muốn được chuyển giao kỹ năng lao động…, đó là những gì Việt Nam được ngoài nguồn công ăn việc làm, thu nhập cho những người làm trong khu vực FDI.

Nếu nhìn về tổng thể, đầu tư FDI vào bất động sản không phải là lĩnh vực thế mạnh về chuyển giao công nghệ, và cũng không phải là lĩnh vực sinh ra ngoại tệ trừ bất động sản đầu tư vào kết cầu hạ tầng du lịch, đây chính là vấn đề đáng lo.

Thêm vào đó, FDI đầu tư vào bất động sản thường làm tăng đột biến dòng vốn, điều này gắn với thời kỳ “bùng nổ” của thị trường bất động sản, mà thị trường bất động sản tăng quá nhanh hoặc quá rõ thì đều ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Điều này lại là vấn đề chúng ta không muốn.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam tiềm năng thì rất lớn, song rủi ro trong bất động sản tại Việt Nam cũng không phải nhỏ.

* Như vậy, theo ông việc FDI đổ vào bất động sản Việt Nam quá nhiều như hiện nay là điều đáng lo ngại?

- Việc này nó có hai mặt của vấn đề, rủi ro và cả cơ hội. Vấn đề là trò chơi và cách quản trị của chúng ta ra sao.

Cơ hội là chúng ta thấy rằng: Chúng ta “đẹp” trong mắt các nhà đầu tư, chúng ta thực sự đang thiếu vốn và có tiềm năng về bất động sản. Bài chơi FDI là chúng ta phải thấy tại sao chúng ta lại hấp dẫn họ là bởi vì chúng ta có nguồn lực, kết cấu hạ tầng, tài nguyên những cái chúng ta hiện đang sở hữu.

Ngoài ra đó còn là vấn đề ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng GDP, quy mô nền kinh tế và một cái nữa là mức độ mở cửa của chúng ta đến đâu.

Tuy vậy, đầu tư vào bất động sản Việt Nam cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro:

Thứ nhất là rủi ro về mặt pháp lý. Luật đất đai sửa đổi trình Quốc hội đã phải dừng lại do sự sửa đổi không phù hợp với bức xúc của người dân.

Thứ hai liên quan đến vấn đề quy hoạch. Việc co vào, nở ra, thay đổi quy hoạch không theo một quy hoạch dài hạn và có tầm nhìn... Thêm vào đó, vấn đề quy hoạch càng trở lên phức tạp hơn khi Việt Nam đang trong quá trình phân cấp rất mạnh, địa phương có quyền quyết định trong cấp phép, trong khi đấy việc quy hoạch tổng thể lại không do địa phương thực hiện.

Thứ ba, đây là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán sáp nhập (M&A) bởi rất nhiều bất động sản khó khăn, họ có thể mua được với giá rẻ. Tuy nhiên, luật M&A của Việt Nam hiện lại chưa có.

Rủi ro thứ nữa đó là việc bất động sản mà ồ ạt bao giờ cũng liên quan đến bong bóng và vỡ bong bóng.

* Vậy theo ông, tỷ trọng vốn FDI vào bất động sản nhiều như hiện nay đã là điều đáng báo động?

- Tôi không quan tâm lắm đến con số vốn cam kết. Ví dụ, trong 9 tháng đầu năm 2008, cam kết FDI vào Việt Nam lên đến 57 tỷ USD nhưng cả năm chúng ta chỉ hy vọng vốn thực hiện giải ngân được khoảng 10 tỷ USD và giải ngân thực được khoảng 8 tỷ USD.

Điều đó nói lên rằng, con số vốn cam kết và vốn thực hiện là một khoảng cách khá xa và không hề dễ dàng biến những con số vốn cam kết thành vốn thực hiện.

Tại Việt Nam, FDI thể hiện ở 3 con số: Vốn cam kết - vốn thực hiện - phần vốn thực của nhà đầu tư mang vào Việt Nam.

Điều tôi quan tâm ở đây chính là lượng vốn thực hiện và giải ngân thực của vốn FDI. Chúng ta nên nhìn sâu hơn, liệu rằng, với 57 tỷ USD FDI cam kết cho đến hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân thực được bao nhiêu, ở lĩnh vực nào, công đoạn nào…

Theo đánh giá của cá nhân tôi, khả năng huy động vốn trong năm tới rất khó khăn. Do vậy, chúng ta vẫn cần đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có những điều chúng ta phải quản ngại, phải chuẩn bị chu đáo hơn trong việc tiếp nhận nguồn vốn này.

* Theo ông chúng ta cần chuẩn bị đối sách như thế nào cho phù hợp với việc “đón” nguồn vốn FDI trong thời gian sắp tới?

- Chúng ta đang cố gắng và có thể trong thời gian vừa qua chúng ta đã nhầm một chút. Chúng ta nhìn FDI chạy theo số lượng mà quên mất hiệu quả.

FDI có 4 loại: Loại thứ nhất dựa vào tài nguyên - loại thứ hai dựa vào khai thác thị trường trong nước - loại thứ ba là tìm kiếm hiệu quả thường gắn với định hướng xuất khẩu - loại thứ tư là dịch vụ. Quan trọng là chúng ta biết họ muốn gì, tìm kiếm đầu tư vào loại nào để tìm ra đối sách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất.

Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại, cái cần nhất của chúng ta trong thu hút nguồn vốn FDI là công nghệ, năng lực quản trị, kỹ năng công nghệ vì bản thân từng dự án nhìn lâu dài mà nói họ là những người được nhất chứ không phải là chúng ta.

* Xin cám ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News