Top

FDI tăng tốc

Cập nhật 15/02/2010 16:30


Cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép
Việc các nhà đầu tư cam kết tăng vốn hoặc khởi động dự án bị trì hoãn ngay đầu năm là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của FDI. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ có sự chọn lọc trong thời gian tới.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2009, Việt Nam có 839 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và xin tăng vốn, với tổng vốn 21,48 tỉ USD, giải ngân xấp xỉ 10 tỉ USD, chỉ bằng 30% và 87% so với năm 2008. Tuy nhiên, đây là cũng là con số khả quan trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Nhìn lại FDI 2009

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Cục trưởng FIA, cho biết, trong năm 2009, cả nước nhập siêu hơn 12 tỉ USD. Tuy nhiên, riêng khu vực FDI lại xuất siêu hơn 5 tỉ USD và đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội khoảng 30% (năm 2008 là hơn 10%).

Vẫn theo FIA, 2 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã lần lượt về nhất và ba trong cuộc đua thu hút FDI năm 2009. Số vốn mới đăng ký và tăng thêm của 2 tỉnh này là 6,7 và 2,5 tỉ USD.


FDI năm 2009 (phân theo địa phương). Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

Về kết quả trên, ông Huỳnh Quang Hải, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP, cho biết, sở dĩ Bình Dương vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài là nhờ có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hơn so với các địa phương khác. Lĩnh vực công nghiệp, thường chiếm hơn 70% danh mục đầu tư của tỉnh, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Còn theo bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Ria - Vũng Tàu, vị trí dẫn đầu về thu hút FDI của tỉnh chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, 17 cảng trong tổng số 43 cảng thuộc hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã đi vào hoạt động và rất hiệu quả. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2009, 2 cảng nước sâu SP - PSA và Tân Cảng đã đạt chỉ tiêu bốc dỡ 2,6 triệu tấn hàng hóa. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài nay có thể tiết kiệm được chi phí trung chuyển vì đã có dịch vụ chở hàng trực tiếp từ các cảng đến Mỹ, không phải quá cảnh sang Singapore hay Hồng Kông như trước.

Ưu thế tiếp theo là việc triển khai hiệu quả cải cách hành chính và dịch vụ công tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Tất cả đều được quy về một cửa và miễn phí. Chính sách này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Nhờ đó chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh vừa tăng từ hạng 12 lên hạng 10 trong năm 2009.

Mới đây, tập đoàn tài chính Mỹ Goldman Sachs đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (N-11), đồng thời là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong những năm tiếp theo.

Theo Goldman Sachs, các nước trong nhóm N-11 có dân số đông và đang tăng nhanh, đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội kinh doanh hơn các nước công nghiệp phát triển với dân số giảm mạnh. Nhiều nước trong N-11 đã khẳng định khả năng sản xuất hàng tiêu dùng và tiềm lực tiêu dùng của người dân. Những ưu thế này đã tạo ra tiềm lực lớn về tăng trường kinh doanh và tiêu dùng, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Vậy triển vọng tăng trưởng FDI trong năm 2010 tại Việt Nam sẽ ra sao?

Tăng tốc ngay từ đầu năm

Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Vốn FDI cam kết năm 2009 tuy không bằng những năm trước nhưng vẫn ổn định và tốc độ giải ngân khá cao. Dự báo, số vốn thực hiện năm 2010 sẽ cao hơn năm 2009, do dòng vốn đăng ký của các năm trước đều ở mức cao và nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi” .

Theo ông Hải, Công ty VSIP, dự án VSIP 4 vừa được động thổ tại Hải Phòng có vốn FDI giai đoạn 1 hơn 100 triệu USD, diện tích 611 ha gồm các khu thương mại, khu công nghiệp và khu dân cư. Ngay sau khi khởi động dự án, 12 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư hơn 450 triệu USD vào VSIP 4.

Trong năm qua, 3 khu công nghiệp VSIP 1, VSIP 2 và VSIP 3 đã thu hút 27 dự án FDI với số vốn xấp xỉ 200 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ riêng tháng 12/2009 và tháng 1/2010, các nhà đầu tư đã đăng ký mức vốn đầu tư hơn 100 triệu USD vào 3 khu công nghiệp này với cơ cấu đầu tư là 70% dành cho công nghiệp, 30% cho thương mại và nhà ở.

Năm 2010, VSIP đặt mục tiêu thu hút khoảng 40 dự án FDI với tổng vốn hơn 600 triệu USD, góp phần giúp Bình Dương duy trì vị trí trí thứ 3 trở lên trong danh sách các tỉnh, thành thu hút FDI nhiều nhất.

Bên cạnh đó các dự án FDI chậm triển khai do khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã được các nhà đầu tư cam kết tái khởi động ngay từ đầu năm.

Theo bà Hương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại đây cũng được nhà đầu tư là Tập đoàn Winvest (Mỹ) cam kết khởi công trong quý 1/2010. Dự án được giao trước 100 ha đất trong tổng số 300 ha. Chủ đầu tư ứng trước 7 triệu USD cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Hoài Nam,Tổng Giám đốc công ty đầu tư Berjaya Vietnam (TP.HCM), cho biết, dự án xây trung tâm tài chính có tổng vốn đầu tư hơn 930 triệu USD tại quận 10, TP.HCM, sau một thời gian trì hoãn, sẽ được khởi công trong quý I này.

Năm 2009 cũng đánh dấu vị trí quán quân của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam với tổng vốn FDI đăng ký hơn 9,8 tỉ USD.

Sẽ chọn lọc dự án

Về định hướng thu hút FDI năm 2010, FIA cho biết sẽ chọn lọc các dự án. Các dự án thuộc lĩnh lực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn... sẽ được ưu tiên.

Trả lời NCĐT về triển vọng trung và dài hạn của FDI tại Việt Nam cùng vấn đề chọn lọc dự án đầu tư, ông Nakanishi Hirota, cố vấn cao cấp về FDI thuộc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết, những tháng gần đây có nhiều công ty Nhật đến văn phòng JETRO để tìm hiểu cơ hội đầu tư "Tôi cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là một trong những thị trường trọng điểm thu hút FDI năm 2010. Các lĩnh vực Chính phủ Việt Nam cần cải thiện để thu hút FDI là công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa”, ông nói.

Ngày 21/01/2010, một đoàn gồm 17 doanh nghiệp từ Osaka (Nhật) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, luyện thép, máy móc thiết bị... đã tiếp xúc với gần 100 doanh nghiệp Việt Nam tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Osaka” .

Ông Toru Hashimoto, Tỉnh trưởng Osaka, cho biết, sắp tới Osaka sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại khu vực sông Mê Kông bao gồm cả Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghiệp vi sinh. Trong đó, môi trường sẽ là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư nhiều nhất.

Một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên) cho rằng trong năm 2009, nguồn vốn FDI vào Việt Nam giảm đáng kể, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để nhìn lại và định hướng cho việc thu hút FDI trong năm 2010 thật sự có chuyển biến về chất. "Đã đến lúc nàng dâu Việt Nam được quyền chọn chồng chứ không phải đụng đâu gả đấy”,ông ví von về việc chọn lọc các dự án FDI.

Ít lạc quan hơn, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrightl cho rằng hiện vẫn tồn tại tình trạng các địa phương đua nhau thu hút FDI để chạy theo thành tích mà không hề nghĩ đến hậu quả lâu dài. "Tôi nhận thấy chúng ta chưa có dấu hiệu hoặc động thái tích cực nào để cải thiện thực trạng trên trong năm 2010”, ông nói.

Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, nhắc lại rằng, từ năm 2001, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “đi tắt đón đầu" nhằm hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ cao tại Việt Nam. Vì vậy, theo ông, Nhà nước cần có chính sách thu hút, ưu đãi cho đầu tư vào công nghệ cao trong thời gian tới.

Chỉ tiêu FDI năm 2010: Tổng vốn đầu tư 22-25 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2009. Trong đó, vốn mới đăng ký khoảng 19 tỉ USD, vốn tăng thêm khoảng 3 tỉ USD. Vốn thực hiện ở mức 10-11 tỉ USD, tăng 10% so với 2009.

Các lĩnh vực trọng tâm: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phát triển co sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản.

 DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

CÁC TIN LIÊN QUAN