Top

Diện mạo mới

Cập nhật 15/02/2010 11:30

Quy hoạch chung Hà Nội dự kiến sẽ được công bố lấy ý kiến nhân dân đúng vào dịp kỉ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam có nhiều gợi ý hay cho một Hà Nội mới.

* Kiến trúc Hà Nội còn gì đáng để nhớ, nhân dịp kỉ niệm đúng 1000 năm, thưa ông?

Bản sắc đô thị Hà Nội là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: thiên nhiên, quy hoạch, kiến trúc trong mối tương quan với cuộc sống con người. Về thiên nhiên, Hà Nội là thành phố có nhiều sông hồ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc Hà Nội. Nhắc đến Hà Nội, không thể không nhắc đến hồ Gươm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang và sông Hồng. Về quy hoạch kiến trúc, Hà Nội có khu phố cổ, khu phố Pháp cùng rất nhiều đình, chùa rải rác khắp nơi. Trước đây, hai yếu tố tự nhiên và kiến trúc rất hài hòa với nhau, tôn trọng nhau, gắn bó bổ xung cho nhau.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn tiêu biểu ở sự hòa trộn Đông - Tây một cách êm ả, nhẹ nhàng mà ít nơi nào trên thế giới có được. Thế nhưng, trong quá trình quản lý, chúng ta đã làm mất dần bản sắc vốn có của Hà Nội.

* Hơn nữa thế kỉ - từ năm 1954 - khi Hà Nội được tiếp quản, đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì trên phương diện kiến trúc, quy hoạch, theo đánh giá của ông?

Từ năm 1954 đến năm 1975 là thời kì chiến tranh chống Mỹ diễn ra ở cả hai miền Nam - Bắc. Vì phải lo nhiệm vụ hậu phương lớn cho miền Nam nên chúng ta chưa xây dựng được những công trình kiến trúc có giá trị ngoài một vài công trình lẻ tẻ như trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Thủy lợi, Hội trường Ba Đình, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Nửa thế kỉ qua, chúng ta chủ yếu tập trung cho việc phát triển nhà ở. Những thận niên 50, 60, 70 là thời kì phát triển rực rỡ của những khu nhà thập thể theo mô hình tiểu khu. Thoạt tiên, những khu nhà đó được xây dựng với mục đích rất nhân văn. Nhưng sau đó, do cách quản lý của chúng ta chưa tốt nên các tiểu khu này trở nên nhếch nhác, biến dạng và trở thành nổi ám ảnh của cư dân thủ đô. Về các công trình công cộng, trong nửa thế kỉ qua, với sự giúp đỡ của Liên Xô chúng ta mới xây dựng được Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, trường Đại học Bách khoa,… Nhưng cảm giác chúng ta vẫn chưa để lại được cái gì lắng đọng, trên phương diện kiến trúc, trong khi đó, cái cũ lại đang bị đánh mất dần.

50 năm trước, khu vực hồ Gươm chỉ có vài ngôi nhà cao 2 – 3 tầng, giờ có những dãy nhà cao ngất, phá vỡ không gian cảnh quan. Ngày xưa, hồ Tây có nhiều cây xanh và chỉ lác đác một vài ngôi nhà cao 1 – 2 tầng. Nhưng từ những năm 90, khi thành phố chưa có biện pháp quản lý cụ thể, ai có tiền thì mặc sức xây, và đến giờ, các ngôi nhà lớn nhỏ lô nhô cứ thỏa sức chen vai thích cánh, góp phần làm xấu diện mạo thủ đô.

* Ông nghĩ gì về mô hình thành phố vệ tinh - xu hướng phát triển của Hà Nội trong tương lai?

Hà Nội được mở rộng, diện tích đã tăng hơn gấp 3 lần. Với mô hình thành phố trung tâm và các vệ tinh, vần đề mấu chốt là phải cải tạo được đô thị lõi và phát triển các cụm dân cư ngoại vi.

* Vậy trong 1 – 2 thập niên tới, diện mạo đô thị Hà Nội sẽ như thế nào, theo hình dung của ông?

Tôi chưa hình dung nổi sẽ ra sao. Hiện nay, Hà Nội đang có xu hướng ồ ạt đổ ra Mỹ Đình theo kiểu “giật gấu vá vai”, chỗ nào còn trống thì đặt công trình vào mà chẳng theo một quy hoạch nào. Tôi lo nhất là quy hoạch Hà Nội chưa sát và chưa kịp với thực tiễn, chưa tháo gỡ được những bài toán của Hà Nội. Một thành phố muốn đẹp thì phải có quy hoạch tốt. Mà có quy hoạch tốt thì thực hiện đến đâu cũng là vấn đề. Thật ra, từ những năm 1954, chúng ta đã có quy hoạch Hà Nội trên những nét lớn nhưng lại thiếu chi tiết, vì thế, dẫn đến tình trạng thực thi tự tung tự tác, và kết quả là không giữ được quy hoạch.

* Trong năm 2010, điều mong mỏi lớn nhất của ông là gì?

Hà Nội cần phải giữ được cây xanh và làm cho giao thông trở nên thông thoáng. Trước đây, Hà Nội luôn tự hào là thành phố sông hồ, thành phố có nhiều cây xanh. Nhưng bây giờ, cây xanh bị chặt phá nhiều quá, khiến cho Hà Nội trở nên ít thân thiện.

Những công trình siêu hiện đại

Người Hà Nội một thời quen với những ngõ phố hẹp, dài và tĩnh lặng, những chiếc xích lô hay tiếng leng keng của xe điện, giờ đang quen dần với những tòa nhà chọc trời, những con đường rộng thênh thang, những công trình hầm đường bộ mang bóng dáng của một đô thị lớn, hiện đại và bề thế.

- Cầu Vĩnh Tuy hoàn thành tháng 9/2009. Cây cầu 4.000 tỉ đồng này được xem là dự án lớn nhất về hạ tầng đô thị do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù có khá nhiều cầu bắc qua sông Hồng nhưng cầu Vĩnh Tuy giúp giải quyết cơ bản gánh năng giao thông cho cầu Chương Dương.

- Hầm đường bộ Kim Liên, thông xe ngày 16/6/2009, được xem là một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam với kết cấu hầm kín bê tông cốt thép dài 140m và 405m tường chắn bê tông cốt thép cũng được coi là một “điểm nhấn” trong quy hoạch thủ đô.

- Với tổng vốn đầu tư 1,05 tỉ USD, tòa nhà Keangnam Hà Nội Landmark Tower, tọa lạc trên đường Phạm Hùng (đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia) cao 336m (70 tầng) sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và đứng thứ 17 thế giới tính đến thời điểm hiện nay. Với tổng diện tích là 578.957m2, Keangnam Hà Nội Landmark Tower cũng sẽ là tòa nhà đứng thứ 5 thế giới về tổng diện tích của một công trình kiến trúc đơn lẻ. Công trình dự kiến hoàn thành đúng dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên

CÁC TIN LIÊN QUAN