UBND phường, xã giải quyết rất nhiều công việc liên quan đến dân. Trong số đó có rất nhiều thủ tục xác nhận mà theo lãnh đạo một số UBND phường là không cần thiết.
Tại phường Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, chỉ riêng mảng nhà đất đã có tám loại thủ tục phải xác nhận (ảnh chụp chiều 14-5) - Ảnh: P.P.H. |
Trong đợt rà soát các công việc của UBND phường, UBND phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM) thống kê có đến 272 đầu việc. Trong đó có rất nhiều đầu việc liên quan đến xác nhận như: xác nhận hiện trạng sử dụng nhà ở, đất ở; xác nhận xin phép gia hạn sử dụng lề đường, vỉa hè; xác nhận hồ sơ gia hạn giấy phép hành nghề một số ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa; xác nhận hoàn cảnh thực tế của các hộ kinh doanh cá thể khi xin giảm thuế... Còn lãnh đạo UBND phường 15, quận 10 cho biết riêng mảng quản lý đô thị có 15-20 thủ tục liên quan đến việc xác nhận.
Bốn lần tới phường
Mới đây, ông Đ.T.T. đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền nhà đất) cho căn nhà tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM). Tuy làm thủ tục trên theo quy trình “một cửa”, nộp hồ sơ tại UBND quận nhưng ông T. phải tới UBND phường đến bốn lần: hai lần để nộp và nhận kết quả xác nhận đơn xin cấp giấy chủ quyền nhà đất, hai lần để nộp và nhận đơn xin xác nhận vị trí nhà đất khi nộp tiền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Trần Quang Hải cho biết đó là thủ tục đơn giản nhất bắt buộc người dân phải qua. Ông Hải liệt kê rất nhiều thủ tục nhà, đất dù được giao thẩm quyền cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND quận và cơ quan thuế nhưng phần lớn đều được yêu cầu phải qua bước xác nhận của UBND phường. Cụ thể như đơn xin cấp giấy phép xây dựng; đơn xin cấp giấy chủ quyền nhà đất; xin chuyển mục đích sử dụng đất; đơn xin tách, hợp thửa đất; xác định vị trí hẻm...
Từ chối không được
Có sổ hộ khẩu vẫn đòi xác nhận thường trú
Ông Nguyễn Việt Long nói có những cơ quan yêu cầu hết sức vô lý là đề nghị UBND phường phải xác nhận người dân thường trú, tạm trú tại địa phương trong khi những thông tin này đã thể hiện qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và cán bộ chỉ cần kiểm tra, đối chiếu. Với những dạng xác nhận như vậy, phường cũng chỉ căn cứ vào những loại giấy tờ trên để xác nhận, đáp ứng yêu cầu của cơ quan hữu quan chứ không còn cách nào khác. |
Chủ tịch UBND một phường thuộc quận Thủ Đức nhận xét nhiều nội dung xác nhận của UBND phường trùng lắp với nội dung người dân đã khai trong đơn hoặc trong những tài liệu khác đã có. Như nội dung về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc số thửa, số tờ... đều thể hiện trong sơ đồ hiện trạng vị trí của thửa đất. Như vậy là không cần thiết.
Lãnh đạo một phường khác dẫn chứng: lúc làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất lần đầu đã qua UBND phường xác nhận hiện trạng, tranh chấp, nhưng khi cấp đổi, cấp lại dù hiện trạng nhà đất đó không thay đổi so với trước đó, phường vẫn phải xác nhận lại mà lẽ ra phường chỉ thực hiện bước thủ tục này khi có tăng, giảm diện tích. Đã có một số trường hợp phường từ chối xác nhận nhưng nhận được phản hồi: có xác nhận của UBND phường sẽ yên tâm hơn.
Không những vậy, một số quận huyện còn có thêm thủ tục xác nhận khác như có trường hợp làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất tại một quận được cơ quan hữu quan yêu cầu phải về UBND phường xác nhận là nhà không nằm trong hẻm, dù thực tế số nhà và bản vẽ hiện trạng vị trí đã thể hiện rõ nhà nằm ở mặt tiền đường.
Để dân tự chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ tịch UBND phường 11, quận 6 (một trong hai đơn vị cấp phường xã thực hiện thí điểm rà soát thủ tục hành chính theo đề án 30 của Thủ tướng) cho rằng các cơ quan hữu quan có thể đưa thông tin về những nhà đất bị tranh chấp, ngăn chặn lên mạng chung và sử dụng tư liệu đó là căn cứ để giải quyết hồ sơ cho dân. Như vậy người dân khỏi phải đi lại nhiều lần.
Quận Gò Vấp đã thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông tại UBND quận cho những thủ tục về nhà, đất từ nhiều năm nay. Người dân chỉ cần nộp hồ sơ tại UBND quận, cán bộ quận sẽ chuyển hồ sơ về phường để làm thủ tục xác nhận những thủ tục cần thiết.
Một cán bộ UBND quận Gò Vấp cho rằng quy định cấp giấy chủ quyền nhà đất hiện nay cho phép nhiều trường hợp người dân tự khai và tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình, đơn vị cấp giấy có thể dựa vào tờ khai của dân làm căn cứ để cấp giấy. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Việt Long, phó chủ tịch UBND phường 15, quận 10, cho rằng nên thực hiện theo đúng các quy định trên và người dân quen dần với việc tự khai, tự chịu trách nhiệm về những thông tin mà họ cung cấp.
Trong phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đề án 30 của Chính phủ, các đơn vị liên quan đã đề xuất bãi bỏ nhiều xác nhận tại UBND phường trong lĩnh vực nhà, đất xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: