Top

Đường vành đai 3 Hà Nội được xây cao ốc tối đa 50 tầng

Cập nhật 10/11/2017 08:40

Theo đồ án thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3 (tỷ lệ 1/500), đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển được phê duyệt có chiều dài khoảng 4,22km tại một số khu vực được phép xây dựng công trình cao tối đa 50 tầng để tạo điểm nhấn.

Quyết định phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị hai bên đường Vành đai 3, tỷ lệ 1/500 (đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển) vừa được UBND TP Hà Nội ban hành.

Theo đó, khu đất Thiết lập đô thị (Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển) là một phần của tuyến đường Vành đai 3, nằm ở phía Tây Nam nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính của phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Kim Giang thuộc quận Thanh Xuân; phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chiều dài tuyến đường nghiên cứu là 4,22km nhưng tổng khu đất để lập thiết kế đô thị đến 61,68ha, diện tích này có thể điều chỉnh so với giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch và cụ thể hóa trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 theo lô, thửa đất sử dụng.


Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ  khu vực đường Vành đai 3 với những cao ốc chọc trời.

Theo quyết định phê duyệt, phân chia đoạn tuyến đường thiết kế thành 5 khu vực gồm: nút Trung Hòa; đoạn đường Khuất Duy Tiến; nút Thanh Xuân; đoạn đường Nguyễn Xiển; nút Tôn Thất Tùng kéo dài.

Đối với khu vực nút Trung Hòa và đoạn đường Khuất Duy Tiến có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở, hạn chế hoạt động, dịch vụ sử dụng trực tiếp nút giao Trung Hòa. Đối với nút Thanh Xuân khuyến khích hoạt động chủ đạo thương mại hỗn hợp, kết hợp khai thác lợi thế các ga đường sắt đô thị tại khu vực. Đối với đoạn đường Nguyễn Xiển khuyến khích các hoạt động về nhà ở. Hạn chế khai thác sử dụng trực tiếp từ công trình ra tuyến đường để giảm tải cho tuyến giao thông vành đai 3.


Đồng tình với những ý kiến của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về mục tiêu giãn dân nội đô để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội không thành hiện thực mà chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích về bất động sản (BĐS) khi Đồ án đề xuất xây dựng những cao ốc từ 40-70 tầng tại khu ga Hà Nội.

Cho xây cao ốc tối đa 50 tầng để tạo điểm nhấn?

Theo quy hoạch vừa duyệt, nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng.

Về chiều cao công trình xây dựng hai bên đường được quản lý theo mặt đứng chung, tạo hiệu quả thẩm mỹ, đồng bộ tránh tình trạng lộn xộn do các dự án đơn lẻ như hiện nay. Các lớp công trình thấp tầng chủ yếu là nhà ở liền kề tổ chức theo một lớp tầng cao thống nhất, đặc trưng phát triển theo vùng, diện với tầng cao đặc trưng là 5-6 tầng trên cơ sở hài hòa với khu vực nhà ở và một số công trình thấp tầng hiện có.

Cụ thể, đối với nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng), đặc trưng không gian là phát triển theo cụm công trình cao tầng tương phản và xen cài với các không gian mở xung quanh. Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long (40-50 tầng), tương phản với các không gian mở được tạo ra bởi khu vực Trung Tâm hội nghị Quốc gia và xung quanh.

Đoạn tuyến Khuất Duy Tiến được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến. Các công trình cao tầng với tầng cao đặc trưng từ 25-30 tầng.

Đối với nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng nằm tại phía Đông Bắc nút giao và tháp đôi tại cụm công trình nút giao khu vực Đông Nam, các công trình còn lại cao 26-30 tầng.

Đoạn tuyến Nguyễn Xiển được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến và diện; các công trình cao tầng có tầng cao trung bình từ 25-30 tầng.

Đối với nút Tôn Thất Tùng kéo dài có công trình điểm nhấn cao 35 tầng, các công trình xung quanh trung bình 20 tầng; cụm trụ sở Tòa Án, VKSND TP cao 5-7 tầng kết hợp các khoảng lùi, không gian sân vườn để tạo không gian mở cho nút giao thông.

Đối với các công trình nhờ ở riêng lẻ, nhà liền kề và các công trình thấp tầng khác quản lý tầng cao tối đa đặc trưng là 6 tầng, quản lý tầng cao đồng đều theo từng khu vực đồng thời tạo nên nhịp điệu trên từng đoạn phố. Những công trình đã xây dựng quá 6 tầng, khi có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới không được tăng chiều cao và khuyến khích đảm bảo tầng cao đúng 6 tầng.

Thành phố giao UBND quận Thanh Xuân chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và một số quận liên quan tổ chức công bố công khai nội dung đồ án Thiết kế.

Việc Hà Nội rà soát 223 dự án nhà cao tầng trong khu trung tâm đang đặt ra nhiều lo ngại khi mà hạ tầng kỹ thuật, giao thông còn quá yếu kém. Trao đổi với PV Tiền Phong, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong